Bịt lỗ hổng về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã

Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) vì mục đích thương mại ngày càng phát triển và mang lại nguồn thu không nhỏ cho các cơ sở gây nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế quản lý hoạt động này còn khá lỏng lẻo và thiếu giám sát chặt chẽ. Điều này đã tạo cơ hội để ngày càng nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật nhằm 'hợp pháp hóa' ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp từ một cơ sở đã được cấp phép nuôi để buôn bán, vận chuyển ĐHVD.

Các cá thể rùa bị nuôi nhốt được chuyển tới Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để được chăm sóc. Ảnh: Thanh Thủy

Các cá thể rùa bị nuôi nhốt được chuyển tới Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để được chăm sóc. Ảnh: Thanh Thủy

Nhiều kẽ hở pháp luật

Việt Nam hiện có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép và ước tính, còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Trong số khoảng 90 loài ĐVHD đang được nuôi, có ít nhất 45 loài ĐVHD nguy cấp trên toàn cầu.

Theo dữ liệu thương mại của Công ước về thương mại quốc tế, trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam là nước xếp thứ 2 trên thế giới có lượng xuất khẩu các loài thú có nguồn gốc do gây nuôi nhiều nhất, chỉ đứng sau Trung Quốc. Một số loài ĐVHD được nuôi ở Việt Nam tính đến năm 2020 là khoảng 940.000 con rắn hổ mang Trung Quốc; hơn 230.000 con cá sấu nước ngọt; hơn 117.000 con rắn ráo trâu; gần 73.000 con trăn đất; gần 18.000 con vòi cầy hương...

Theo quy định hiện hành, các cơ sở nuôi có thể được cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hợp pháp ít nhất 39 loài hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu. Nếu hoạt động gây nuôi thực sự là mô hình khép kín, nghĩa là không tiếp tục khai thác ĐVHD từ tự nhiên thì vấn đề này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nhập lậu ĐVHD từ tự nhiên diễn ra tràn lan, ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam và cả các quốc gia khác trong khu vực.

Có nhiều bằng chứng cho thấy cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Các cơ sở có thể dễ dàng mua bán “giấy phép vận chuyển” để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép. Chính vì vậy, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.

Theo một nghiên cứu tiến hành trong giai đoạn 2014-2015 của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), toàn bộ 26 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD được khảo sát (đa phần là các trại nuôi có quy mô lớn) đều có dấu hiệu “nhập lậu” ĐVHD. Gần đây, ENV đã ghi nhận một khối lượng lớn ĐVHD, khoảng gần 30 tấn, được vận chuyển từ các cơ sở tại miền Nam đến cửa khẩu Móng Cái chỉ trong thời gian hơn 10 ngày. Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng, phần lớn các cá thể ĐVHD của lô hàng này đã bị săn bắt từ tự nhiên, rồi được “phù phép” trở thành ĐVHD có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi được cấp phép.

Đề xuất ban hành danh mục loài vật có thể được gây nuôi

Ông Thomas Lyons, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, một khía cạnh khác của hoạt động buôn bán ĐVHD thường không được chú ý nhiều là nạn buôn bán trái phép ĐVHD trong nước. Phần lớn các trường hợp này liên quan đến hoạt động “rửa ĐVHD”. Tương tự như hoạt động rửa tiền, “rửa ĐVHD” là việc các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại hợp pháp để buôn bán ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trái phép. Điều này thường được thấy tại các cơ sở nuôi ĐVHD, những nơi tự biến ĐVHD nhập lậu từ nước ngoài thành ĐVHD được sinh sản thành công và từ đó hợp pháp hóa các loài ĐVHD này.

Cá thể gấu bị nuôi nhốt để trích hút lấy mật phục vụ thị trường ĐVHD bất hợp pháp. Ảnh: Xuân Hương

Theo ENV, một trong những giải pháp mang tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam là việc ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại. Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hiện tại vừa chưa rõ ràng, vừa không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Việc ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại ĐVHD chỉ trong những loài này là một giải pháp đơn giản, hữu hiệu, góp phần định hướng cho người nuôi và tạo điều kiện cho công tác quản lý, từ đó, bảo vệ tốt hơn các quần thể loài ĐVHD trong tự nhiên”.

Theo nhận định của EVN, Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam. Đó là bảo đảm tất cả các loài ĐVHD không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại; góp phần bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bằng cách chấm dứt được tình trạng săn bắt, nhập lậu các loài này vào các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại.

Ông Thomas Lyons cho rằng: “Giải pháp lâu dài tốt nhất để đối phó với hoạt động “rửa ĐVHD” là thắt chặt quản lý nuôi ĐVHD và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về ĐVHD. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cách tiếp cận lâu dài này sẽ mất nhiều thời gian. Cho đến thời điểm đó, ENV đang vận động xây dựng “Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong đó nêu rõ những loài có thể được gây nuôi và giới hạn hoạt động nuôi thương mại đối với những loài này. Cách tiếp cận bước đầu này sẽ là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ các loài ĐVHD đang bị buôn bán thông qua các trang trại gây nuôi thương mại”.

Việc ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kỳ vọng có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài ĐVHD đang bị đe dọa. Về lâu dài, giải pháp này cũng cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh hoạt, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời, cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bit-lo-hong-ve-quan-ly-hoat-dong-gay-nuoi-thuong-mai-dong-vat-hoang-da-post454561.html