Bịt lỗ hổng kỹ năng để không bị kéo lê theo thời đại 4.0

Sẽ là lợi thế lớn nếu chúng ta nhanh chóng bịt lỗ hổng kỹ năng cho số đông dân chúng, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân tài chuyển đổi số cốt cán.

Sẽ là lợi thế lớn nếu chúng ta nhanh chóng bịt lỗ hổng kỹ năng cho số đông dân chúng, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân tài chuyển đổi số cốt cán với tinh thần đổi mới sáng tạo.

Sẽ là lợi thế lớn nếu chúng ta nhanh chóng bịt lỗ hổng kỹ năng cho số đông dân chúng, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân tài chuyển đổi số cốt cán với tinh thần đổi mới sáng tạo.

Xem lại bài 1: Lời giải bài toán nguồn nhân lực, nhân tài trong thời đại 4.0

Nguồn nhân lực phải đáp ứng các yếu tố chủ yếu sau đây: (1) bề rộng của nguồn nhân lực: số đông nhân lực phải được trang kỹ năng tương thích với những tiến bộ của công nghệ trong thời đại 4.0; (2) bề sâu của nguồn nhân lực: cần phát triển một nhóm nhỏ nhân tài chuyển đổi số cốt cán; (3) cần xây dựng hệ sinh thái tích hợp mở thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Điều kiện (1) là để cung cấp nguồn nhân lực kỹ năng tạo nền tảng cho chuyển đổi số, giúp Việt Nam không bị tụt lại phía sau. Điều kiện (2) và (3) là “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam đi nhanh, tiến xa hơn trong thời đại 4.0.

Lập Ban chỉ đạo phát triển kỹ năng quốc gia

Người lao động, doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo và dân chúng nên được định hướng, tránh trôi nổi dễ rơi vào vòng xoáy của thời đại 4.0. Do vậy, cần xây dựng Khung kỹ năng trong 5 năm tới ở các ngành nghề chính của nền kinh tế để định hướng cho việc đào tạo, trang bị kỹ năng phù hợp cho nguồn nhân lực thích ứng với thời chuyển đổi số.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thu thập thông tin thị trường lao động trong nước, nguồn cung cầu để có đánh giá chính xác về xu hướng thị trường lao động. Cung cấp thông tin cho tổ chức đào tạo, người lao động, doanh nghiệp, dân chúng và phục vụ cho việc xây dựng và hoạch định chính sách nhân lực...

Nền kinh tế số là xu hướng trong kỷ nguyên 4.0

Khung kỹ năng cung cấp thông tin về cơ hội việc làm, lộ trình nghề nghiệp, triển vọng việc làm, các kỹ năng mới và hiện thời… Vì vậy, người lao động sử dụng Khung kỹ năng cho việc xác định các kỹ năng cần phát triển mới hoặc trau dồi ở những ngành công nghiệp hiện tại hay ở các ngành công nghiệp mới mà họ muốn tham gia.

Các doanh nghiệp sử dụng Khung kỹ năng cho việc xác định các việc làm mới, trang bị các kỹ năng phù hợp cho người lao động khi chuyển đổi số. Các tổ chức giáo dục và đào tạo sử dụng Khung kỹ năng cho việc thiết kế và cung cấp các chương trình và khóa đào tạo phù hợp…

Cũng cần thành lập Ban chỉ đạo phát triển kỹ năng quốc gia và các quỹ phát triển kỹ năng quốc gia, các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi nghề, tư vấn cho người lao động hiểu về các chính sách hỗ trợ của nhà nước, về việc làm, các kỹ năng cần thiết, các cơ sở đào tạo, các khóa học phù hợp…

Hỗ trợ kinh phí đào tạo

Hỗ trợ kinh phí đào tạo cần căn cứ 2 tiêu chí cơ bản. Một là, kết quả đào tạo với các tiêu chí như số lượng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, số lượng đào tạo theo các ngành ưu tiên, số người tốt nghiệp có việc làm trong 6 tháng, số người tốt nghiệp đạt chuẩn nghề… Hai là, các ngành nghề ưu tiên của đất nước. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn…

Hàng năm, các tổ chức đào tạo bất kể nhà nước hay tư nhân muốn nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo ký bản thỏa thuận kết quả với Ban chỉ đạo phát triển kỹ năng quốc gia. Thống nhất về những kết quả cụ thể, thang đo và cách đo kết quả cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành. Để có sự đánh giá khách quan, chính xác, công bằng, cần thành lập Hội đồng đánh giá gồm các nhà khoa học, chuyên gia uy tín đã được cộng đồng khoa học biết đến và thừa nhận, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, các ngành...

Kết quả đánh giá được sử dụng làm căn cứ để xác định kinh phí hỗ trợ đào tạo. Những tổ chức đào tạo nào đạt kết quả xuất sắc thì được cấp kinh phí hỗ trợ tương ứng. Những tổ chức đào tạo nào liên tiếp 2 năm không đạt kết quả tối thiểu theo quy định thì cắt kinh phí hỗ trợ cho đến khi đạt kết quả tối thiểu theo quy định. Công khai kết quả đánh giá và kinh phí hỗ trợ trên website của Ban chỉ đạo phát triển kỹ năng quốc gia, các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, các tổ chức đào tạo muốn nhận kinh phí hỗ trợ thì phải nỗ lực hết mình để có kết quả vượt trội trong đào tạo kỹ năng phù hợp cho người lao động, cho doanh nghiệp, cho đất nước…

Để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tầm cỡ, kỹ sư về công nghệ số tiên tiến làm việc cho các tổ chức đào tạo có các ngành ưu tiên cho chuyển đổi số, Nhà nước hỗ trợ trả 50% lương miễn thuế thu nhập cá nhân.

Có chế độ học bổng hấp dẫn dành cho 10% sinh viên có thành tích xuất sắc nhất. Hàng năm, trao giải thưởng danh giá cho 5% các tổ chức đào tạo có thành tích tốt nhất, trao giải cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, có những sáng kiến, đóng góp thiết thực, nổi bật cho công cuộc phát triển kỹ năng của đất nước…

Sự chủ động từ người lao động và doanh nghiệp

Trong kỷ nguyên số, kỹ năng là hành trang quan trọng của người lao động, ai có kỹ năng tốt, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội người đó sẽ thành công, được hưởng thành quả xứng đáng.

Cũng bởi sự phát triển đột phá của công nghệ số, sự đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh khiến nhiều kỹ năng không còn phù hợp hay nhanh chóng lạc hậu, nhiều việc nghề nghiệp đã, đang và sẽ mất đi, thay vào đó là những nghề nghiệp mới đầy thách thức đòi hỏi những kỹ năng mới.

Vì vậy, có việc làm tốt hay không tùy thuộc nhiều vào việc học tập suốt đời, không ngừng trau dồi kỹ năng, nhanh chóng phát triển kỹ năng mới hơn là chuyên môn được đào tạo ban đầu. Người lao động cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước qua vùng quen thuộc để học kỹ năng mới, không ngừng trau dồi để có kỹ năng cao thích ứng nhanh chóng với thời cuộc nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Doanh nghiệp cũng cần ý thức rất rõ ràng giá trị cốt lõi trong thời chuyển đổi số là nhân lực, nhân tài và công nghệ. Vì vậy, cùng với việc áp dụng triệt để công nghệ, không ngừng đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động, đội ngũ nhân lực lãnh đạo tiên phong, doanh nghiệp cần chú trọng việc chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực với những kỹ năng cần thiết cho công cuộc chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên giỏi các ngành ưu tiên tham gia thực tập hoặc làm việc ở các doanh nghiệp với mức thu nhập cao và các ưu đãi khác.

Kỳ cuối: Lập Đại dự án phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo

TS Phạm Mạnh Hùng - TS Bùi Khắc Linh (Viện Kinh tế và chính trị thế giới)

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/bit-lo-hong-ky-nang-de-khong-bi-keo-le-theo-thoi-dai-40-n-474555.html