Bình yên trong bụi?

Nếu không có bất cứ hành động gì để bảo vệ môi trường hôm nay, có lẽ người lớn chúng ta sẽ nợ con cháu và bè bạn chúng một lời xin lỗi trong tương lai.

Những đứa trẻ cần có môi trường sống Xanh (Ảnh: Hồng Giang)

Sáng sớm, trước khi đi làm, tôi thường ngồi lặng ngắm 2 đứa trẻ nhà mình ngủ ngon. Được chạm tay lên đôi mi khép, chiếc miệng chúm chím, khẽ nắm lấy những ngón tay bé nhỏ của con là cảm giác hết sức yên bình trong một thành phố Thủ đô đầy áp lực.

Thế nhưng, mấy sáng nay, sự yên bình ấy dường như bị thay thế bởi cảm giác bất an, khi mở cửa sổ và thấy di động liên tục báo chỉ số chất lượng không khí bên ngoài ở mức “Rất Xấu” - ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Chỉ ít phút nữa, khi thức dậy và đến trường, hệ hô hấp – miễn dịch còn non yếu của lũ trẻ nhà tôi và cả con bạn sẽ bắt đầu phải “gồng lên” hấp thụ nhiều khói bụi độc hại như: bụi mịn PM 2.5, khí thải carbon dioxide… từ động cơ ô tô, xe máy, nhà máy và từ những con đường, khu chung cư đang được xây dang dở… Lũ trẻ sẽ vẫn cười đùa hồn nhiên vì chúng còn quá nhỏ để hiểu những hiểm họa sức khỏe từ ô nhiễm môi trường, chỉ có người lớn chúng ta nhận thức được!

Như nhiều phụ huynh khác, tôi có thể lại lao vào một ngày hăng say kiếm tiền với hy vọng tạo ra môi trường sống tốt hơn cho con: mua một căn hộ ở khu chung cư “Xanh” nhiều tiện nghi ở ngoại ô; mua một chiếc ô tô “che mưa, che nắng”; cho con được chăm sóc sức khỏe ở những bệnh viện quốc tế, được học ở những ngôi trường chất lượng nhất để có cơ hội sau này du học… Giải pháp này không hề sai. Thế nhưng, liệu đó có phải là giải pháp bền vững và mang tính cộng đồng? Và có bao giờ trong lúc làm giàu, bạn nghĩ rằng có lúc chính mình đã vô tình hay hữu ý làm tổn hại môi trường, lấy đi cơ hội, sự bình đẳng của những đứa trẻ khác sống trong các gia đình đang còn phải vất vả mưu sinh?

Ở cấp độ vĩ mô, là một nhà quản lý, ta hãy biết đau lòng hay sốt ruột trước cảnh tượng rác thải ùn ứ trên những tuyến phố; những con đường, vỉa hè xây dựng chậm tiến độ, ngổn ngang gạch, đá, bụi; những khu, cụm công nghiệp ngày đêm phát tán các chất ô nhiễm, “bóp nghẹt” thành phố… Cần hiểu rằng, một sự quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường bài bản, kịp thời cùng sự quyết đoán của nhà quản lý có thể giúp cải thiện chất lượng sống của hàng triệu đứa trẻ ngay bây giờ và tương lai.

Ở cấp độ vi mô, dù là người lao động hay công chức bình thường và không cần có quá nhiều tiền, tôi và bạn cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường, nguồn không khí cho thế hệ tương lai bằng những hành động tưởng chừng đơn giản nhất: tắt xe máy khi dừng chờ đèn đỏ; mang theo túi đựng có thể tái chế và từ chối sử dụng túi nilon khi mua sắm; không vứt rác bừa bãi và biết phân loại rác hữu cơ-vô cơ-tái chế; hạn chế dùng bếp than, bếp củi, không đốt rơm rạ; sử dụng hệ thống đèn LED tiết kiệm điện; không hút thuốc lá…

Dù lương không “khủng” và làm việc xa nhà, hàng ngày vợ tôi vẫn hào hứng tới công ty bởi những lãnh đạo ở đây biết đưa ra các sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường sống của người Việt như: công sở được bao phủ bởi cây xanh, thảm cỏ; quản lý thu gom rác thải bằng các thùng rác quy định phân loại màu sắc; sản xuất xe máy điện, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường... Vợ tôi triết lý :” Lao động, làm việc không gây hại cho môi trường, đó cũng là một sứ mệnh của mỗi người lao động và bậc phụ huynh”.

Tôi cũng quyết định chọn cho 2 con học tại một ngôi trường không vì có nhiều giáo viên nước ngoài, không vì có nhiều trang thiết bị hiện đại mà chủ yếu do nhà trường có rất nhiều hoạt động giúp trẻ em sớm xây dựng ý thức sống “Xanh”.

Trong gió bụi thành phố, mỗi sáng đưa con đến trường, có lẽ tôi sẽ cảm thấy yên lòng hơn vì hôm nay lũ trẻ sẽ được dạy trồng một cây xanh khi mùa xuân về, được đi tham quan các nông trại, được tham gia các cuộc thi vẽ tranh bảo vệ môi trường…

Chúng ta sẽ không thể hạnh phúc, bình yên hoàn toàn khi con cái còn bị đe dọa bởi nhiều hiểm họa bên ngoài. Các nhà khoa học đã khẳng định nếu không có hành động nào, thế hệ tương lai sẽ phải chấp nhận làm quen với tình trạng ô nhiễm, thảm họa tự nhiên ngày càng dày đặc và nghiêm trọng, thậm chí vượt quá mức kiểm soát và ứng phó của con người.

Vì vậy, tôi và bạn cần hành động ngay, ít nhất để không cảm thấy hổ thẹn với con cháu mai sau; để “khẩu trang – kính chống bụi” không trở thành xu hướng thời trang trong một thành phố có môi trường ô nhiễm nặng nhưng cứ ngỡ là “bình thường mới” !

Hồng Giang

Hồng Giang

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/binh-yen-trong-bui-post102054.html