Bình yên những cánh rừng phòng hộ Vân Canh

Nếu những năm trước đây, huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) mỗi năm 'biến mất' cả trăm ha rừng thì trong 9 tháng đầu năm 2017 chỉ xảy ra 1 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại chỉ hơn nửa ha.

Nhưng không phải tự nhiên mà rừng nơi đây được bình yên, có được kết quả này phải kể đến những chủ rừng luôn dốc sức quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Đó là Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh.

Cán bộ Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh tuần tra bảo vệ rừng

Đối với Cty TNHH Lâm Nghiệp Hà Thanh, công tác BVR không chỉ tập trung vào những diện tích rừng SX do Cty trồng, mà đơn vị còn hết lòng chăm lo những diện tích rừng tự nhiên không còn khai thác do Cty quản lý.

Với khoản kinh phí được Nhà nước hỗ trợ 200.000đ/ha/năm (từ năm 2015-2020) để thực hiện công tác bảo vệ hơn 13.200ha rừng tự nhiên, Cty lập dự toán, được các ngành chức năng và UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, hàng năm đơn vị triển khai mạnh công tác BVR.

“Chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền. Tuyên truyền từ Ban quản lý làng đến hộ dân ở những địa phương mà những năm trước đây thường xuyên xảy ra phá rừng, như làng Canh Liên, làng Cà Te (huyện Vân Canh) và nơi có rừng giáp ranh là làng Cát thuộc huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Tại những điểm “nóng” này chúng tôi đều thành lập chốt BVR. Chốt Canh Liên “nóng” nhất được bố trí 10 người trực 24/24, những chốt còn lại từ 3-5 người”, ông Cái Minh Tùng, GĐ Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh cho hay.

Không kém cạnh, trong những năm qua, BQL Rừng phòng hộ Vân Canh cũng đã thực hiện tốt công tác BVR trên diện tích gần 26.000ha rừng. Ông Đoàn Văn Tây, GĐ Ban phấn khởi cho biết: “Nếu như trước đây trên địa bàn huyện Vân Canh mỗi năm mất đến cả trăm ha rừng thì năm nay mất chỉ hơn nửa ha. Mức độ phá rừng trên địa bàn giảm gần bằng không!”.

Để đạt được kết quả trên là nhờ đổi mới phương pháp QLBVR, đặc biệt là tăng cường “bám rừng”! Xác định được những điểm “nóng”, tại mỗi điểm BQL Rừng phòng hộ Vân Canh thành lập 1 chốt chặn. Ở mỗi chốt chặn, công tác phối hợp BVR được thể hiện rõ nét bằng sự gắn bó của các ngành liên quan. Ngoài chủ rừng còn có sự tham gia của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, công an và huyện đội.

Cán bộ Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh kiểm tra sinh trưởng rừng theo định kỳ

“Trên toàn lâm phần chúng tôi thành lập đến 9 chốt chặn, mỗi chốt bố trí từ 3 - 4 người trực 24/24. Những chốt này có nhiệm vụ vừa ngăn chặn nạn vận chuyển lâm sản trái phép, vừa kiểm soát phá rừng. Bây giờ lâm tặc phá rừng bằng công nghệ cưa máy, chỉ cần 1 ngày đêm là có thể mất đứt 1ha rừng. Do vậy, khi ở những điểm nóng trong rừng được chốt chặn thì lâm tặc phải chờn. Nhờ đó mà những cánh rừng được bình yên”, ông Đoàn Văn Tây chia sẻ.

Có lẽ không đâu “khát” đất trồng rừng SX như xã vùng cao Canh Liên (huyện Vân Canh). Ở đây có 600 hộ dân thì hầu hết đều không có đất hoặc thiếu đất SX. Đa phần diện tích đất bà con sử dụng để canh tác hiện tại là đất lấn chiếm.

Để giải tỏa nỗi “khát” đất của đồng bào dân tộc miền núi, ngay từ năm 2015, khi sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đã lập phương án giao hơn 2.200ha diện tích đất trống đồi núi trọc mà Cty không SX cho UBND xã Canh Liên để địa phương này giao lại cho dân canh tác.

AN NHÂN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/binh-yen-nhung-canh-rung-phong-ho-van-canh-post206308.html