Bình yên biển miền Trung

Hơn 2 năm đã trôi qua sau sự cố môi trường biển miền Trung, giờ đây cuộc sống của người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã dần trở lại bình thường. Môi trường biển trong vùng bị ảnh hưởng đang hồi sinh.

Ngư dân Hà Tĩnh vào vụ biển mới.

Cuối tuần qua tại TP Đông Hà, Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị Tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển cách đây 2 năm. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, biển miền Trung đã thực sự bình yên, người dân có thể hoàn toàn yên tâm bám biển.

Kiên quyết không để sự cố môi trường biển tái diễn

Hơn 2 năm đã trôi qua sau sự cố môi trường biển miền Trung, giờ đây cuộc sống của người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã dần trở lại bình thường. Môi trường biển trong vùng bị ảnh hưởng đang hồi sinh trở lại.

Có thể nói, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra là thảm họa môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam từ trước đến nay. Môi trường biển bị ô nhiễm trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài.

Sự cố môi trường đã gây tác hại xấu, trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn an ninh trật tự, gây tâm lý bức xúc, bất an trong một bộ phận nhân dân.

Vì mục tiêu hàng đầu là khắc phục hậu quả môi trường, đảm bảo quyền lợi cho người dân, Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã ngay lập tức xắn tay triển khai bồi thường, sớm ổn định cuộc sống và lao động của bà con ngư dân ở các tỉnh miền Trung. Không chỉ có vậy, nghiêm túc trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân, Đảng, Chính phủ và các địa phương tích cực tiến hành công tác xem xét, xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố, kể cả những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp, xem xét, kết luận Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) trong các giai đoạn liên quan đến sự cố và kết luận các vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức, đơn vị này là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Cùng với đó, nhiều cán bộ lãnh đạo của Bộ TNMT, tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung cũng bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Và dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và người dân, đến nay, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục nhìn chung tình hình môi trường biển đã được khôi phục, chất lượng nước biển đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi; tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định. Công tác bồi thường thiệt hại đã cơ bản hoàn thành, công tác phục hồi môi trường biển, hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, công tác an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh đang tiếp tục được triển khai tích cực.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, chất lượng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã lấy mẫu thường xuyên ở các vùng biển của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế để kiểm nghiệm và cho kết quả đến hiện tại hàm lượng các chất hóa học trong các mẫu hải sản đã ở dưới mức cho phép. Lâu nay người dân chính là đang chờ đợi tuyên bố này của Bộ Y tế, là với thủy hải sản tầng đáy.

Dù vậy, tất cả ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đều mong mỏi đừng để sự cố nào tương tự như sự cố môi trường biển năm 2016 tái diễn. Muốn vậy, cần có giải pháp phòng ngừa, chặn đứng những hành vi bức tử môi trường.

Chia sẻ về việc khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Khi giải quyết việc này, Chính phủ, Bộ Chính trị đã cân nhắc rất kỹ về phương án xử lý. Cuối cùng lựa chọn phương án vừa có lý, vừa có tình “. Trước khi vào hội nghị, tôi cùng các phó thủ tướng đã chia nhau về trực tiếp tại các vùng từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Điều vui mừng là ngư dân các tỉnh đã rất phấn khởi trở lại đánh bắt. Đó là tín hiệu cho thấy sau sự cố, đời sống của người dân đã được khôi phục”- Thủ tướng nói. Thủ tướng cho rằng, môi trường là trụ cột của sự phát triển, nhất là môi trường biển nên Bộ TNMT cần có giải pháp để môi trường được đảm bảo, không để hậu quả xảy ra lần thứ hai.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng TNMT xem xét bổ sung thêm các trạm quan trắc ở các vị trí đặc biệt như khu công nghiệp. “Chúng ta tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng chuyên nghiệp, nhưng phải yêu cầu đảm bảo về môi trường”- Thủ tướng nói, đồng thời giao các bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thành việc bồi thường thiệt hại cho ngư dân. Tiếp tục theo dõi quan trắc dọc biển để đảm bảo an toàn cho thủy hải sản.

Không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, chúng ta đã xử lý rất thành công sự cố môi trường biển miền Trung. Tuy nhiên, sự cố này là bài học rất đắt giá, không chỉ riêng cho Hà Tĩnh, riêng cho Formosa mà cho tất cả các địa phương, doanh nghiệp đang có các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên cả nước. Thời gian tới, phải nhất quán quan điểm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là “không được đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, phải coi bảo vệ môi trường là nhân tố tiên quyết để phát triển bền vững”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư xây dựng, rà soát lại báo cáo đánh giá môi trường của các dự án tiềm ẩn nguy cơ dễ xảy ra ô nhiễm để có giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời. Tuyệt đối không cấp phép các dự án không bảo đảm môi trường; kiểm soát chặt chẽ quá trình, quy trình xả thải của các cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm, không có vùng cấm những vi phạm về bảo vệ môi trường.

Buổi sáng ở làng biển Phú Hải (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, qua sự cố biển miền Trung, các đơn vị có liên quan phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bộ máy tham mưu giúp việc phải có kiến thức dự báo, dự kiến tình huống chưa xảy ra, chứ cứ để tình huống xảy ra rồi mới đi khắc phục hậu quả và truy tìm nguyên nhân thì không được. Điều này cũng giống như chúng tôi đánh giặc - giặc đến thì phải xử trí ngay, chứ cứ để nó đánh tan hoang rồi mới phản ứng thì dù chúng ta có thắng thì thiệt hại cũng rất nặng nề.

Sự cố môi trường biển là bài học đắt giá cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bài học quan trọng nhất là phải luôn nhận thức bảo vệ môi trường là cốt lõi, không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào. Công tác bảo vệ môi trường cần được coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu ở các cấp chính quyền, cần quan tâm đúng mức, xem xét vấn đề môi trường từ khi lựa chọn các dự án đầu tư và trong quá trình giám sát thực hiện.

Mặc dù quá trình xử lý, khắc phục sự cố môi trường và ổn định đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng nhờ huy động và phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, các nhiệm vụ đề ra đã cơ bản được hoàn thành.

Cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/binh-yen-bien-mien-trung-tintuc404470