Bình tĩnh ứng phó dịch Covid-19

Kéo dài đã 3 tháng, đến nay dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong nước và trên thế giới, các ca nhiễm mới vẫn không ngừng tăng lên đã ảnh hưởng mạnh tới việc triển khai các hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL).

Trong dịch Covid-19 các điểm du lịch hầu như đều vắng khách (Ảnh: K.T)

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịch Covid-19 trong những tháng qua đã làm tê liệt hầu hết các hoạt động văn hóa, thể thao du lịch, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, kết quả hoạt động của ngành trong năm 2020.

Cụ thể, ở lĩnh vực văn hóa, các địa phương đều dừng hoặc giảm hẳn các hoạt động lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia, như: Lễ hội Tịch Điền (Hà Nam), Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định), Đền Trần (Thái Bình), Đền Trần Thương (Hà Nam), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)…

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, các chương trình vui chơi, giải trí tập trung đông người cũng được tổ chức hạn chế để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc; Hội diễn nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, không gian Đờn ca tài tử trong khuôn khổ liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2020… cũng phải dừng tổ chức để đảm bảo an toàn cho người dân trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Việc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, kết quả hoạt động của ngành và nhu cầu tham gia lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân trong dịp đầu xuân Canh Tý 2020.

Tại các di lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh do tình hình dịch bệnh nên việc mở cửa, hoạt động cũng thất thường, vì vậy lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Trong tháng 2/2020, số lượng khách giảm khoảng 50-60%; những ngày đầu tháng 3/2020, số lượng khách giảm đến 70-80% so với cùng kỳ năm trước. Một số di tích hàng ngày đón hàng trăm đến hàng ngàn khách thì nay không có khách tham quan như: Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Khu di tích lịch sử - văn hóa Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế)…. Sự suy giảm về lượng khách kéo theo các hoạt động dịch vụ tại các di tích như: Vận chuyển, ăn uống, lưu trú, bán hàng lưu niệm... cũng sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Tại hệ thống các rạp chiếu phim, lượng khách đến xem cũng giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Số lượt khách xem phim tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 40% so với 2 tháng đầu năm 2019. Doanh thu phim chiếu rạp của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 37% so với 2 tháng đầu năm 2019. Số lượng vé bán ra toàn thị trường 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 23% so với 2 tháng đầu năm 2019; doanh thu phim chiếu rạp toàn thị trường 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 40% so với 2 tháng đầu năm 2019.

Cùng với các hoạt động văn hóa là hoạt động du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa dịch. Trong những tháng qua, khi dịch Covid- 19 lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới khiến ngành Du lịch Việt Nam gặp nhiều thách thức khi lượng khách tiếp tục giảm. Dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển hoạt động cầm chừng. Trước thực trạng này, các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã sát cánh để tìm ra giải pháp khôi phục thị trường, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tình hình phát triển du lịch cũng không mấy khả quan. Hoạt động kinh doanh tại cơ sở lưu trú giảm từ 20 - 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách tới các điểm đến quan trọng như Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… giảm khoảng 20 -50%. Dự kiến, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm hơn 60%, số khách du lịch nội địa giảm đến 80%.

Để vượt qua cơn bĩ cực này, đúng như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng khẳng định: Du lịch cũng như các ngành nghề khác cần phải bình tĩnh ứng phó. Đặc biệt ngành du lịch cần phải coi đây là thời cơ để toàn ngành tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển thị trường tiềm năng bù đắp cho lượng khách truyền thống bị hao hụt. Lúc này cũng là lúc các đơn vị có dịp nhìn lại sự phát triển, hướng tới việc cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường công tác liên kết giữa các đơn vị; tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam một cách bài bản, trong đó đặc biệt quảng bá, lan tỏa hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước./.

K.T

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/binh-tinh-ung-pho-dich-covid-19-550491.html