Bình Thuận: Từ 'diễn tập' trước thực nghiệm hiện trường đến dấu hiệu thông cung

Tiếp tục xét xử vụ án có dấu hiệu oan sai tại Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tại phiên tòa cả nhân chứng và bị hại đều thay đổi lời khai theo hướng phù hợp với cáo buộc. Đáng nói, trước khi thực nghiệm hiện trường, nhân chứng và bị hại lại được tập dượt, điều này theo Luật sư là không thỏa đáng.

Bản án số 27/2020/HS-ST của TAND huyện Bắc Bình.

Bản án số 27/2020/HS-ST của TAND huyện Bắc Bình.

Dấu hiệu thông cung

Công lý & Xã hội đã đăng tải các bài viết: “Bình Thuận: Nghi vấn vướng vào lao lý vì mâu thuẫn cá nhân”; “Bình Thuận: Nghi vấn giả chứng cứ, chèn ép doanh nghiệp”… về vụ việc ông Phùng Thạch Đông (sinh năm 1967, trú tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình) đang bị quy buộc, chuẩn bị đưa ra xét xử về Tội cố ý gây thương tích, theo Khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Đáng nói gia đình bị cáo cho biết, vụ án này là oan sai, bắt nguồn từ việc ông Ngô Minh Hoàng (SN 1983 - Xã đội trưởng xã Sông Lũy) muốn trả thù gia đình bị cáo, vì trước đó con trai bị cáo Đông tố cáo ông Hoàng có liên quan đến việc bảo kê của nhóm giang hồ tại Nhà máy Điện năng lượng Mặt Trời Sông Lũy 1.

Ngày 09/01/2020, TAND huyện Bắc Bình tiếp tục xét xử vụ án ông Phùng Thạch Đông về hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên phiên tòa đã bị tạm hoãn. Lý do HĐXX đưa ra là vắng mặt bà Ngọc – nhân viên Trạm Y tế xã Sông, nơi sơ cứu cho bị hại Ngô Minh Hoàng (SN 1983 - Xã đội trưởng xã Sông Lũy).

Luật sư Nguyễn Văn Dũ - Trưởng Văn phòng luật sư Chuyên Chính (Đoàn Luật sư TPHCM), có đề nghị Tòa hủy bỏ lệnh tạm giam với ông Đông nhưng không được chấp thuận, không đưa ra lý do.

Ngày 30/6/2020, TAND huyện Bắc Bình tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án ông Phùng Thạch Đông bị cáo buộc gây thương tích cho Xã đội trưởng xã Sông Lũy, Ngô Minh Hoàng.

Tại phiên tòa, ông Đông trình bày: “Cáo trạng truy tố không đúng. Tôi bị oan. Tôi xuống xe, cầm chai nước, cách Hoàng khoảng 1,8m. Nói mấy câu, tôi ném chai nước trúng mặt Hoàng nhưng không biết trúng chỗ nào. Lúc đó Hoàng đứng đối mặt với tôi và lấy tay trái che mặt, bỏ chạy”.

Ông Hoàng khai: “Khi tôi còn ngồi trên xe, nghe tiếng ông Đông chửi bên trái phía sau nên quay mặt sang phải, thấy ông Đông cầm vật sắc nhọn dài khoảng 3-4cm đâm. Tôi nhìn sang phải nên trúng vào má phải”.

Khi Luật sư hỏi tại sao lời khai ban đầu nói bị đâm bằng dao bấm nhưng lần sau lại nói là vật sắc nhọn, ông Hoàng nói: “Do lần đầu nghĩ là dao nhưng do không thấy cán nên lần sau khai là vật sắc nhọn”.

Nhân chứng Phan Tấn Đồng khai rằng ngồi sau ông Hoàng và thấy ông Đông đứng bên trái, đâm bằng vật sắc nhọn dài 3 – 4cm. Ông Hoàng ôm má phải thì thấy có máu. Nhân chứng Thế Anh khai: “Tôi thấy ông Đông đánh vào mặt Hoàng. Tôi không nhìn thấy trên tay ông Đông là vật gì”.

Hai nhân chứng khác là vợ con ông Đông khai thấy ông Đông cầm chai nước khi bước xuống xe, không có vật sắc nhọn nào.

VKSND huyện Bắc Bình cho rằng dù ông Đông không thừa nhận nhưng qua lời khai nhân chứng, chứng cứ khác và thực nghiệm hiện trường, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội. VKSND huyện Bắc Bình đề nghị tuyên ông Đông 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù giam, bồi thường 40 triệu đồng.

Phản hồi ý kiến của VKSND huyện Bắc Bình, Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân – Đoàn Luật sư Đồng Nai, người bào chữa cho ông Đông, nói: “VKSND huyện Bắc Bình khăng khăng cho rằng ông Đông dùng vật sắc nhọn nhưng vật đó là vật gì, con dao, miếng sắt, cây kim, cái kéo? Vật đó ở đâu ra và hiện đang ở đâu? VKSND buộc tội ông Đông bằng chứng cứ gián tiếp là lời khai của bị hại và hai người làm chứng. Lời khai cả 3 người này có sự mâu thuẫn và liên tục thay đổi. Khi bị hại thay đổi thì hai người kia cũng thay đổi và giống nhau về thời gian, nội dung”.

Theo Bản án số 27/2020/HS-ST, TAND huyện Bắc Bình đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý. Theo đó HĐXX xét thấy, cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Bình và điều tra viên, VKSND huyện Bắc Bình và kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bị cáo Phùng Thạch Đông không bị bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra, truy tố. Do đó, luận cứ bào chữa của các luật sư về vấn đề cơ quan điều tra, viện kiểm sát buộc tội bị cáo Phùng Thạch Đông bằng chứng cứ gián tiếp là lời khai của bị hại Ngô Minh Hoàng và 2 người làm chứng Phan Tấn Đông và Trần Thế Anh là không có cơ sở để chấp nhận. Tuy nhiên vẫn thừa nhận việc thực nghiệm điều tra do viện kiểm sát thực hiện là vi phạm thủ tục tố tụng do kiểm sát viên và bị hại đã đến hiện trường trước ngày thực nghiệm.

Hình ảnh tập dượt trước khi thực nghiệp hiện trường vụ án.

Tập dượt trước khi thực nghiệp hiện trường?

Thực tế trước đó ngày 19/2/2020, Luật sư và bị hại, người làm chứng bất ngờ nhận được giấy triệu tập của VKSND huyện Bắc Bình, yêu cầu đến hiện trường vụ án để thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra bắt đầu vào ngày 24/2/2020.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân chia sẻ: “Nhận được giấy triệu tập, tôi lấy làm khó hiểu, tại sao Tòa đang xử mà VKSND lại thực hiện thực nghiệm điều tra. Giấy triệu tập là của VKSND chứ không phải của Tòa. Vì nếu Tòa đang xử thì việc trích xuất bị can, bị cáo thuộc thẩm quyền Tòa”. Càng khó hiểu hơn, qua đại diện VKSND được biết VKSND đã xin rút hồ sơ từ Tòa để điều tra bổ sung.

Đến phiên tòa ngày 27/5/2020, nhân chứng Đồng khai trước khi thực nghiệm hiện trường thì đã được VKSND cho diễn tập, hướng dẫn trước. Luật sư đặt câu hỏi tại sao có điều lạ thường này? Và người đóng thế ông Đông thì ai hướng dẫn cho người đó những động tác?

Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, trước đây nhân chứng Thế Anh khai có thấy chai nước và nói chai nước đó của ông Đông. Đến lúc đối chất, vẫn còn chai nước của ông Đông. Nhưng hôm sau, điều tra viên lấy lời khai lại thì chai nước biến mất. “Tôi thấy có dấu hiệu thông cung, mớm cung, người làm chứng khai báo không trung thực, không đúng sự thật”, Luật sư Dũ nói.

Còn Luật sư Trần Văn Đạt - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận cho hay, kết luận giám định có vấn đề. Theo quy định thì vết thương có ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay không chứ không hề có “ảnh hưởng thẩm mỹ nhẹ”. Thời điểm xem xét vết thương là còn mới, chưa ổn định, là chưa phù hợp với quy định về giám định. Vết thương không ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì chỉ có tỷ lệ thương tích từ 4 – 7%. Kết luận 11% là không thể được. Ngoài ra, việc Chủ tịch xã chỉ đạo tháo biển số xe là trái luật, không đúng thẩm quyền từ đó mới gây ra vụ án.

Trả lời các Luật sư, về hung khí, VKSND huyện Bắc Bình “đoán” vật sắc nhọn là một miếng thép do ông Đông tự chế. Còn vấn đề tập dượt trước khi thực nghiệm hiện trường là “do chưa nắm rõ hiện trường nên phải làm trước.

Ông Hoàng ngồi trên xe, khai rất rõ là có tiếng ông Đông chửi bới bên trái nhưng lại quay mặt sang bên phải để nhìn. Ông Đông đứng bên trái nhưng sao không đâm thẳng vào ông Hoàng mà đâm vòng từ sau ra trước, về bên phải để trúng má phải ông Hoàng? Ông Hoàng quay lại mấy lần để nhìn thấy vật sắc nhọn và bị đâm? Một hay hai?.

Chưa kể tới lần đầu, ông Hoàng khai ông Đông cầm hung khí có lưỡi lòi ra ở ngón út, sau đó lại khai nhìn thấy vật sắc nhọn lòi ra từ giữa ngón trỏ và ngón cái (ngược lại so với lần đầu). Đến khi thực nghiệm hiện trường thì lại cầm hung khí lòi ra ở ngón út. Vậy đâu mới là tư thế cầm hung khí?

Dù đã đưa ra nhiều căn cứ nhưng cuối cùng các ý kiến của Luật sư đều bị bác bỏ. HĐXX kết luận, đã có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Phùng Thạch Đông chính là người đã dùng vật sắc gây thương tích cho bị hại Ngô Minh Hoàng với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 11%. Hành vi của bị cáo Phùng Thạch Đông đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo như cáo trạng của VKSND huyện Bắc Bình đã truy tố bị cáo.

Luật sư cho rằng cách điều tra, thực nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ, lời khai của Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Bình cùng VKSND huyện Bắc Bình đã khiến diễn biến vụ án không còn chính xác, khách quan.

Trường Giang

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/binh-thuan-tu-dien-tap-truoc-thuc-nghiem-hien-truong-den-dau-hieu-thong-cung-54202.html