Bình Thuận - trung tâm điện gió ngoài khơi của Việt Nam

Bình Thuận là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất ở Việt Nam hiện nay, với số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn nhiều so số giờ trung bình ở các tỉnh phía nam, tốc độ gió, bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.

Bình Thuận là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất ở Việt Nam hiện nay, với số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn nhiều so số giờ trung bình ở các tỉnh phía nam, tốc độ gió, bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.

Xác định được tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời và đã được Bộ Công thương phê duyệt vào năm 2012.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) của tỉnh Bình Thuận trong việc khai thác tiềm năng năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực đôn đốc triển khai các dự án năng lượng, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 812,5 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận. Trong đó, 14 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng công suất 598 MW.

Đặc biệt vào ngày 21-1 vừa qua, trong buổi tiếp, làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cùng Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy về dự án phát triển điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 14 đã xác định phát triển công nghiệp là một trong ba trụ cột. Tại nhiệm kỳ này, tỉnh đề ra quyết tâm thực hiện mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau đó, cũng trong buổi làm việc của đoàn, đồng chí Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, tỉnh đang có nhiều chính sách để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào lĩnh vực này, đặc biệt là phát triển điện gió ngoài khơi và tập thể lãnh đạo tỉnh rất hy vọng dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind sớm được triển khai.

Là dự án duy nhất nhận được giấy phép khảo sát của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1-2019, nhận được sự ủng hộ từ phía tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Enterprize Energy triển khai thực hiện khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi. Sau 12 tháng đo gió liên tục, kết quả đo tốc độ gió khoảng 10 m/s và có thể vận hành tua-bin từ 10 - 17 MW.

Ngày 30-9-2020, trong buổi gặp mặt Thứ trưởng Thương mại Vương quốc Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ý tưởng đầu tư của Tập đoàn Enterprize Energy tại tỉnh Bình Thuận. Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy Ian Hatton cho biết, hiện nay Tập đoàn đang hợp tác chặt chẽ, tích cực với UBND tỉnh Bình Thuận và các đối tác Việt Nam để triển khai dự án.

Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và địa phương. Đây là dự án nước xanh tầm cỡ thế giới, dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất tại Việt Nam, với tổng công suất dự kiến lắp đặt 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD, có vị trí cách mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận từ 20 - 50 km.

Tập đoàn Enterprize Energy đang phối hợp các đối tác, nhà thầu trong và ngoài nước quyết tâm triển khai dự án trong năm giai đoạn, trong đó sẽ xây dựng 600 - 800 MW mỗi giai đoạn. Dự án Thăng Long Wind có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam. Theo tính toán, các ngành công nghiệp, dịch vụ ở Việt Nam có tiềm năng cung cấp tối thiểu 50% tổng giá trị đầu tư của dự án bao gồm khảo sát, tư vấn thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo chân đế, tháp gió, trạm biến áp trong bờ, kho bãi lưu chứa, căn cứ hậu cần tương đương giá trị từ 6 đến 8,3 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư. Công việc phục vụ bảo trì, bảo dưỡng kéo dài ít nhất 25 năm sau khi dự án đi vào hoạt động.

Khi dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind hoàn thành, sản lượng điện có thể đạt khoảng 15 tỷ kW giờ mỗi năm. Dự án cũng giải quyết vấn đề giảm phát thải khí CO2. Gió ngoài khơi không phải là công nghệ gây ô nhiễm. Trên thực tế, dự án có thể giảm lượng khí thải CO2 khoảng 16 triệu tấn mỗi năm, tương đương với năng lượng sản sinh từ phát điện bằng than.

Ông Ian Hatton bày tỏ mong muốn dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind sớm được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII, trong đó giai đoạn một khoảng 600 MW dự kiến hoàn thành vào năm 2025 - 2026 và giai đoạn cuối dự kiến vào năm 2029 - 2030.

CHIẾN THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thong-tin-doanh-nghiep/binh-thuan-trung-tam-dien-gio-ngoai-khoi-cua-viet-nam-633410/