Bình Thuận tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2019 đạt trên 462 triệu USD, nửa đầu năm 2020 đạt gần 208 triệu USD. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, kim ngạch xuất khẩu của Bình Thuận đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,75%/năm.

Để thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu hàng hóa, ngành công thương Bình Thuận đã triển khai tái cơ cấu theo lộ trình và thực hiện các bước đi phù hợp, qua đó dần khắc phục những tồn tại cũng như phát huy thế mạnh về lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của ngành. Chuyển dịch cơ cấu đúng hướng còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của Bình Thuận...Hiện hàng hóa xuất khẩu của Bình Thuận cũng đa dạng hơn, chủ yếu tập trung vào mặt hàng có lợi thế như may mặc, thủy sản (đông lạnh, khô), nông sản (thanh long, cao su, nhân hạt điều, rau quả các loại), giày dép, đồ gỗ, phụ tùng ô tô, giấy cao cấp...

Đến nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận đã mở rộng đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 60%, phần còn lại là thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của địa phương. Nhất là chú trọng phát triển nhóm hàng công nghiệp chế biến, mở rộng xuất khẩu những mặt hàng đem lại kim ngạch khá như thủy sản, may mặc, giày dép và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long, cao su…Đồng thời quan tâm triển khai công tác xúc tiến thương mại để duy trì ổn định thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường mới phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

Mục tiêu mà Sở Công Thương Bình Thuận đề ra là vào năm 2025, phấn đấu đưa tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ trọng xấp xỉ 40% trong cơ cấu ngành công nghiệp, nâng mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5,38%/năm. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành sẽ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án liên quan. Đó là nghiên cứu phát triển thị trường thanh long, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài và trung tâm Logistic…

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành công thương Bình Thuận tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm. Ngoài ra còn tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh các biện pháp chỉ đạo phát triển xuất khẩu, đặt trọng tâm vào các mặt hàng nông sản (cao su, thanh long) và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặt khác sẽ phối hợp các sở, ngành triển khai giải pháp giữ vững thương hiệu “Nước mắm Phan Thiết”, “Thanh long Bình Thuận”… Đối với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp thì tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Hướng đến quảng bá hiệu quả thương hiệu, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.Tỉnh Bình Thuận cũng tiếp tục cải thiện nhiều hơn nữa môi trường kinh doanh và hành chính công, đưa ra những chính sách phù hợp để phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc trưng là thế mạnh tại địa phương; đầu tư xây dựng kho trữ hàng lớn để trữ nông sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhiều cơ chế, chính sách để thỏa mãn đầu tư sản xuất sản phẩm đặc thù; hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu kết nối, tìm kiếm xuất khẩu sản phẩm với thị trường thế giới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại phải có giải pháp để thực hiện tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã vay theo quy định.Do Bình Thuận có nhiều sản phẩm đặc trưng, chính vì vậy tỉnh sẽ xác định rõ nhóm ngành ưu tiên, có giá trị lớn để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19. Cùng với đó, tỉnh cũng có phương án liên kết sản xuất quy mô lớn và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo quy chuẩn khoa học.

Như vậy các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh mới có thế vượt qua các hàng rào phi thuế quan ở thị trường quốc tế.Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới sau dịch COVID-19 và đón đầu cơ hội tiếp cận thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đồng thời chủ động nghiên cứu các quy định ưu đãi, tiêu chuẩn, chất lượng từ các thị trường tiềm năng để sản xuất phù hợp, nhằm tận dụng ưu đãi, vượt qua rào cản thương mại trong bối cảnh hậu dịch bệnh COVID-19./..

K.V

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-thuan-tim-giai-phap-day-manh-xuat-khau-hang-hoa-560670.html