Bình Thuận phải tạo sức lan tỏa phát triển nhanh và bền vững

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận chiều ngày 21/9 về kết quả thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015- 2020) và kế hoạch 5 năm 2021- 2025 về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an sinh của Bình Thuận.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, thăm hỏi lãnh đạo tỉnh và các sở ngành tỉnh Bình Thuận

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, thăm hỏi lãnh đạo tỉnh và các sở ngành tỉnh Bình Thuận

Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng

Báo cáo với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, đến nay việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 – 2020, kinh tế của Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong giai đoạn 3 năm (2016- 2018) là 7,53%/năm, dự ước năm 2019 tăng 8% và bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 7,58%/năm (mục tiêu đề ra trong 5 năm 2016 - 2020 từ 7-7,5%). GRDP (theo giá so sánh) đến năm 2020 tăng 44,1% so với năm 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Dự ước năm 2019: Nhóm ngành nông - lâm - thủy sản 28,18% (năm 2015 chiếm 32,93%), công nghiệp - xây dựng 30,99% (năm 2015 chiếm 26,66%), dịch vụ 34,89% (năm 2015 chiếm 35,38%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,94% (năm 2015 chiếm 5,03%). Dự ước đến năm 2020, cơ cấu trong GRDP:

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, báo cáo về tình kinh tế - xã hội với đoàn công tác Chính phủ

Huy động GRDP vào ngân sách bình quân hàng năm trong 3 năm (2016 -2018) đạt 11,1% (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu), năm 2019 ước đạt 10,5% (năm 2015 đạt 9,3%), ước thực hiện trong 5 năm 2016-2020 bình quân đạt 10,45% (mục tiêu đề ra từ 9,5 – 10%).

Chi đầu tư phát triển từ ngân sách tập trung so với tổng chi ngân sách địa phương bình quân hàng năm trong 3 năm 2016- 2018 đạt 33,3%, năm 2019 đạt 32,94%, giai đoạn 2016- 2020 bình quân đạt 35% (mục tiêu đề ra là 35%). Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP bình quân hàng năm trong 3 năm 2016 - 2018 đạt 35,47% (năm 2015 đạt 34,62%), năm 2019 ước đạt 39,7%, ước giai đoạn 2016 -2020 đạt 37,42% (mục tiêu đề ra từ 43 – 44%).

Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chủ động hội nhập, liên kết để thúc đẩy phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị tăng thêm từ sản xuất công nghiệp thực hiện trong 3 năm (2016 - 2018) tăng bình quân 10,87%/năm, năm 2019 tăng 15,52%, dự ước trong 5 năm (2016 - 2020) tăng bình quân 12,04%/năm.

Đặc biệt lĩnh vực công nghiệp sản xuất và phân phối điện là thế mạnh của Bình Thuận đã đạt mức tăng trưởng khá cao, liên tục và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sản lượng điện thiết kế của 35 nhà máy điện khoảng 30,6 tỷ kWh/năm. Tỉnh cũng đã hỗ trợ đầu tư phát triển lưới điện 500 kV, 220 kV, 110 kV và lưới điện trung, hạ thế trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Bình Thuận thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, góp phần dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp của địa phương.

Hoạt động du lịch của Bình Thuận khá sôi động, lượng khách và doanh thu tăng hàng năm. Chất lượng phục vụ du khách tiếp tục được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được thực hiện thường xuyên. Gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển, hạ tầng đô thị kết hợp du lịch được quan tâm

Cùng với những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nêu ra khó khăn vướng mắc và kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng. Cụ thể như việc quy hoạch khai thác khoáng sản chồng lấn với quy hoạch phát triển du lịch, năng lượng còn nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được làm ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ còn hạn chế gây nên khó khăn trong kêu gọi đầu tư. Các công trình truyền tải điện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển điện gió, điện mặt trời trên địa bàn...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, phát biểu

Tử những khó khăn này tỉnh Bình Thuận kiến nghị với Chính phủ cần tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo động lực bứt phá. Đó là, sớm điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác titan. Trước mắt Chính phủ cho ý kiến về 4 dự án động lực đang nằm trong vùng chồng lấn. Về giao thông, Bình Thuận kiến nghị Trung ương tập trung tháo gỡ để triển khai nhanh dự án sân bay Phan Thiết. Ngoài ra tỉnh mong muốn Chính phủ đồng ý cập nhật cụm cảng Vĩnh Tân vào quy hoạch phát triển dịch vụ logictic trên nền tảng Cảng quốc tế Vĩnh Tân để khu vực này trở thành điểm trung chuyển hàng hóa chiến lược kết nối khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên…

Cần sự vào cuộc của các Bộ ngành

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ ngành cũng giải đáp những vướng mắc liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế xã hội qua trọng của tỉnh Bình Thuận. Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Bình Thuận cần tập trung nắm bắt việc thực hiện Luật Quy hoạch, triển khai lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Qua đó, tháo gỡ điểm nghẽn chồng lấn, xung đột quy hoạch sa khoáng titan.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, về nông nghiệp Bình Thuận cần gập trung thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản chế biến và chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các lợi thế của tỉnh. Vấn đề kết nối giao thông Bình Thuận với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ Giao Thông Vận tải cho rằng đây là vấn đề hết sức cấp bách cần cho phát triển kinh tế hu hút đầu tư của Bình Thuận.

Về vấn đề điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng - cho biết, hiện nay Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương hoàn thiện và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án trong quy hoạch titan, theo đó sẽ xem xét hướng giảm một số diện tích quy hoạch titan để chuyển sang các dự án phát triển kinh tế xã hội khác nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển của địa phương.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá Bình Thuận đạt nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế và đầu tư. Đáng chú ý là tốc độ tăng GRDP khá. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận cần tập trung hơn nữa thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có lợi thế như du lịch, đô thị, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Tích cực mở rộng kinh tế đối ngoại, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế của Bình Thuận. Bình Thuận cũng cần chú ý tập trung phát triển đảo Phú Quý.

Để tháo gỡ Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với tỉnh, nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan, hạ tầng giao thông, quá tải hệ thống truyền tải điện… Từ phía địa phương cần chủ động, chủ trì với các Bộ ngành để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn cho Bình Thuận. Về vấn đề chống lấn quy hoạch sa khoáng titan, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát và báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn này, trước mắt là 4 dự án du lịch trọng điểm. Tỉnh Bình Thuận cần có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch để tăng liên kết các vùng Đông Nam bộ, Miền Trung, Tây Nguyên để tạo tiền đề huy động tốt các nguồn lực cao nhất cho đầu tư phát triển... Phó Thủ tướng thống nhất với địa phương, cần có các giải pháp đột phá, ưu tiên vào những lĩnh vực trọng tâm, tạo sức lan tỏa xây dựng Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững.

Ngọc Thảo - Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-thuan-phai-tao-suc-lan-toa-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-125525.html