Bình Thuận không 'nhận chìm vật, chất' nạo vét ở dự án nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển

Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã chọn phương án xây dựng kè chống xói lở kết hợp sử dụng vật, chất nạo vét cảng, luồng, vũng quay tàu để san lấp mặt bằng tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để thay thế phương án nhận chìm vật, chất nạo vét mà 2 năm nay dự luận đặc biệt quan tâm.

Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Báo Bình Thuận

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) được đầu tư trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, quá trình xây dựng và hoạt động đã xảy ra một số vấn đề về môi trường như khói, bụi, bãi xỉ, nhận chìm vật, chất nạo vét… làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trong đó, vấn đề sử dụng vật, chất nạo vét của cảng, luồng, vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được dư luận rất quan tâm, nhất là việc giải quyết khoảng 1,3 triệu m3 vật, chất nạo vét cảng nhập than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trong năm ngoái.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì vật, chất nạo vét này sẽ xử lý theo phương án nhận chìm xuống biển. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh, trong một văn bản ký ngày 12-9, cho biết qua xem xét thực tế, tiếp thu ý kiến người dân và các nhà khoa học, tỉnh đã nhiều lần đề xuất Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét, sử dụng vật, chất nạo vét để san lấp Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân thay thế phương án nhận chìm.

Tháng 8 năm ngoái, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Bình Thuận nghiên cứu quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật, chất nạo vét để san nền, lấn biển, chống xói lở bờ biển.

Đến nay, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 1 (tổ máy số 1) đã hoàn thành đi vào hoạt động, các nhà máy còn lại theo kế hoạch sẽ hoàn thành phát điện thương mại trong năm 2018, 2019 và các năm kế tiếp theo Quy hoạch sơ đồ điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt.

Để đảm bảo hoạt động của các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, các nhà máy buộc phải nạo vét khu vực cảng nhập than, luồng, vũng quay tàu và duy tu các hạng mục này trong suốt quá trình hoạt động. Do đó, cần thiết phải có phương án sử dụng vật, chất nạo vét nêu trên vừa đảm bảo môi trường vừa có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mới đây, ngày 20-8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp giải quyết các kiến nghị của tỉnh và đã có ý kiến chỉ đạo khẩn trương xây dựng phương án đầu tư xây dựng công trình chứa vật chất nạo vét từ khu vực cảng, luồng, vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; trong đó có tính đến phương án của UBND tỉnh là đề xuất xây dựng kè chắn sóng kết hợp chứa vật, chất nạo vét thay thế phương án nhận chìm xuống biển.

Qua tư vấn, Bình Thuận chọn phương án xây dựng kè chống xói lở kết hợp sử dụng vật, chất nạo vét cảng, luồng, vũng quay tàu để san lấp mặt bằng tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thay thế phương án nhận chìm vật, chất nạo vét vũng quay tàu.

Hai phương án được chọn là trước mắt đổ tạm khoảng 1,77 triệu m3 vật, chất nạo vét để tiếp tục san lấp Cảng tổng hợp Vĩnh Tân; phương án 2 gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư bãi chứa như phương án 1, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng để chứa hết khối lượng vật, chất nạo vét duy tu trong 30 năm và làm kho than trung chuyển và cảng xuất nhập than.

Theo công văn số 3855/UBND-KT do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai ký gửi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh báo cáo chủ trương thì đây là hạng mục công trình rất quan trọng, đa mục tiêu, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công cảng nhập than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, phòng chống sạt lở, tạo ổn định cho các khu dân cư ven biển tại khu vực, tạo bãi chứa 5,5 triệu m3 vật, chất nạo vét vũng quay tàu (gồm 1,77 triệu m3 trong quá trình thi công và 3,8 triệu m3 nạo vét trong quá trình duy tu 30 năm của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng than trung chuyển).

Như vậy toàn bộ vật, chất nạo vét vũng quay tàu, Cảng nhập than tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân sẽ được sử dụng để san lấp cảng tổng hợp Vĩnh Tân và san lấp làm kho than trung chuyển và cảng xuất nhập than tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Lại xin nhận chìm “vật chất nạo vét” tại biển Vĩnh Tân

Theo báo Bình Thuận, để đáp ứng cho tàu trọng tải 100.000DWT vào cảng, chủ đầu tư Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 sẽ tiến hành nạo vét, vật chất khu trước bến cảng, với diện tích 5,4ha, tổng khối lượng vật chất nạo vét phát sinh khoảng 962.353m3 vật chất nạo vét. Đầu năm nay, Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xin nhấn chìm rộng ra biển khoảng 300ha, cách ranh giới khu bảo tồn Hòn Cau và bãi cạn Breda 6km, cách vùng đệm 9km về hướng Tây.

Trong văn bản trả lời, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định luôn ưu tiên chọn phương án dùng vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng, nên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ với các đơn vị chức năng để đổ vật chất nạo vét theo đúng quy định pháp luật.

Hồng Ngọc

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278708/binh-thuan-khong-nhan-chim-vat-chat-nao-vet-o-du-an-nhiet-dien-vinh-tan-xuong-bien.html