Bình Thuận: Đưa năng lượng thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với đường bờ biển dài 192km, khí hậu nắng gió quanh năm là một trong những điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Trong Kế hoạch số 216-KH/TU về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh ủy Bình Thuận, một trong những mục tiêu ưu tiên của tỉnh đến năm 2030 là đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng tái tạo, đưa ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng điện của tỉnh theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt, đáp ứng tốt yêu cầu cho các mục tiêu phát triển theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển, nâng tổng công suất của các nguồn điện (điện than, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời, thủy điện) dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 13,85 GW, sản lượng điện đạt khoảng 68 tỷ kWh; đến năm 2030, đạt khoảng 22,6 GW, sản lượng điện đạt khoảng 106 tỷ kWh và đến năm 2045 đạt khoảng 38,3 GW, sản lượng điện đạt khoảng 164 tỷ kWh. Trong đó, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió (kể cả điện gió ngoài khơi), điện mặt trời và điện khí LNG. Xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ, hiện đại, vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với các khách hàng sử dụng điện quan trọng được cấp điện theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường theo yêu cầu của từng thời kỳ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, phấn đấu đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045…

Để đạt những mục tiêu đó, tỉnh ủy Bình Thuận đã xác định cần phải khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Đại diện Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối với nhiệt điện sẽ khuyến khích phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng khí bảo đảm đồng bộ từ khâu xây dựng nhà máy đến khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu; chú trọng phát triển các nhà máy sử dụng điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), các nguồn khí trong nước. Đặc biệt, phải có kế hoạch yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tiến hành đổi mới công nghệ, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đối với điện gió và điện mặt trời, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện của tỉnh và khu vực. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đang nghiên cứu, khảo sát vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên mặt nước.

Đối với điện mặt trời trên mái nhà, sẽ khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và điện mặt trời áp mái đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình.

Riêng với thủy điện, sẽ huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có phù hợp với quy hoạch và chủ trương của tỉnh; xem xét, cân nhắc kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất nông nghiệp của việc phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa.

Điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn, sẽ khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải đô thị, chất thải rắn kết hợp phát điện.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả; thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả và phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực…

Với định hướng và nhiệm vụ cụ thể, tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương triển khai các giải pháp và thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để phấn đấu đưa Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-thuan-dua-nang-luong-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-144110.html