Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao về chủ trương sáp nhập các xã

Bình Thuận là một trong 4 tỉnh, thành không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, nhưng để tinh gọn bộ máy, tỉnh triển khai thực hiện điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo diện khuyến khích.

Từ nay đến năm 2021, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện sáp nhập 6 đơn vị hành chính cấp xã thành 3 xã và tiến hành điều chỉnh địa giới 7 xã.

Huyện Tuy Phong là một trong 3 huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019- 2021. Để quá trình thực hiện sáp nhập thuận lợi, huyện Tuy Phong tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nắm bắt các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng để kịp thời giải quyết, tạo đồng thuận cao trong nhân dân.

Theo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019- 2021, huyện Tuy Phong sẽ sáp nhập xã Hòa Phú và thị trấn Phan Rí Cửa thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Phan Rí Cửa (mới), đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Xã Hòa Phú có diện tích tự nhiên 12,18 km 2 với dân số 6.548 người, bình quân 537 người/km 2. Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cấp xã thì xã Hòa Phú không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Còn thị trấn Phan Rí Cửa có diện tích tự nhiên 2,74km 2 với dân số 39.257 người, bình quân 14.327 người/km 2, cũng không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Thị trấn Phan Rí Cửa không có điều kiện để mở rộng về diện tích.

Ngay khi có chủ trương sáp nhập, huyện Tuy Phong đã bám sát yêu cầu, chỉ đạo trong thực hiện, đồng thời có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các xã đã tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn để nắm rõ chủ trương đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa của chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đến nay, hai xã Hòa Phú và thị trấn Phan Rí Cửa đã tổ chức họp dân ở các thôn và lấy ý kiến cử tri. Kết quả 92,5% cử tri xã Hòa Phú và 97% cử tri thị trấn Phan Rí Cửa đồng ý với phương án sáp nhập. Hội đồng nhân dân huyện Tuy Phong cũng đã thông qua tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện về phương án sắp xếp. Sau khi sáp nhập, thị trấn Phan Rí Cửa mới sẽ có tổng diện tích hơn 14 km2, quy mô dân số hơn 45.000 người.

Việc sáp nhập này không chỉ phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tiêu chuẩn mà còn tạo điều kiện cho thị trấn Phan Rí Cửa mở rộng không gian, đầu tư kết cấu hạ tầng của đô thị loại IV.

Qua lấy ý kiến, mặc dù hầu hết cử tri đều đồng thuận, nhất trí với chủ trương sáp nhập. Tuy nhiên, một số bộ phận cử tri, cán bộ ở xã Hòa Phú vẫn còn nhiều lo lắng, tâm tư về lịch sử địa phương, về các thủ tục chuyển đổi giấy tờ tùy thân. Theo ông Bùi Sáu - người dân ở xã Hòa Phú, người dân địa phương đồng thuận với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không đủ quy định nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi một số giấy tờ quan trọng như: quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu… nên thực hiện trước một bước khi chính thức sáp nhập để người dân yên tâm.

Ông Nguyễn Vĩnh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho biết: Ngay sau khi có chủ trương sáp nhập, xã đã tiến hành họp toàn thể cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ thôn để triển khai kế hoạch. Sau khi tổ chức họp dân, đa phần người dân đều lo lắng về thủ tục thay đổi các loại giấy tờ khi sáp nhập thành xã mới. Một số người dân gắn bó lâu đời với vùng đất Hòa Phú còn tâm tư về truyền thống lịch sử của nơi đây. Bên cạnh đó, một số cán bộ còn tâm tư về vấn đề dôi dư, bố trí, phân công nhiệm vụ sau khi sáp nhập.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú, để nắm bắt các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân, xã Hòa Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân, đội ngũ cán bộ công chức hiểu rõ lợi ích chung khi sáp nhập. Trước mắt đối với các giấy tờ liên quan như: Quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… nếu còn hạn sử dụng thì người dân vẫn sử dụng bình thường. Đến khi hết hạn, các loại giấy tờ này vẫn tiến hành cấp đổi mới theo quy định. Trường hợp người dân muốn đổi mới thì các khoản phí đều được hỗ trợ.

Dự kiến, khi sáp nhập 2 xã nói trên, sẽ có 26 cán bộ chuyên trách, công chức và 22 người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Điển – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong cho biết: Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã có kế hoạch cụ thể về việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ của hai đơn vị này trên tinh thần cố gắng đến mức tối đa để giải quyết việc làm ổn định cho cán bộ, công chức… Những trường hợp dôi dư, huyện sẽ giải quyết theo chính sách quy định của nhà nước hoặc bố trí sang công tác ở các địa phương khác hoặc các ngành của huyện cho phù hợp.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan về việc sáp nhập. Đồng thời, huyện tiếp tục làm công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở hai xã và thông tin rộng rãi, công khai đến người dân các bước triển khai tiếp theo cũng như thủ tục giấy tờ liên quan đến người dân./.

Hồng Hiếu/TTXVN

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/binh-thuan-day-manh-tuyen-truyen-tao-su-dong-thuan-cao-ve-chu-truong-sap-nhap-cac-xa-124164