Bình Thuận: Chờ đợi công nghệ khai thác, chế biến sâu Titan

Tỉnh Bình Thuận đã chờ đợi nhiều năm và cũng đã xây dựng một khu công nghiệp chế biến sâu titan, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có một doanh nghiệp nào đủ năng lực đầu tư xây dựng nhà máy với công nghệ nổi trội và ưu việt.

Khai thác Titan ở Bình Thuận

Theo quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến quặng sa khoáng Titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định (QĐ) số 1546/QĐ-TTg thì hiện nay Bình Thuận có 26 khu vực với tổng diện tích (DT) đưa vào quy hoạch titan 19.527 ha. Trong đó, 10 khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò với DT 9.641 ha, trữ lượng khoảng 80,1 triệu tấn; 08 khu vực đã cấp giấy phép khai thác với DT 2.542 ha, trữ lượng 7,1 triệu tấn. Tổng DT quy hoạch và dự trữ quặng sa khoáng Titan được xác định là khoảng 102.227 ha với tổng trữ lượng dự báo 599 triệu tấn (chiếm 92% tổng trữ lượng quặng sa khoáng Titan toàn quốc). Hưởng ứng lời mời gọi đầu tư của tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua đã có 7 doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác và tuyển tách tinh quặng sa khoáng Titan, và hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác và chế biến.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã có buổi làm việc với PV Báo TN&MT về tình hình khai thác Titan ở Bình Thuận

Tuy nhiên, công nghệ khai thác, chế biến của các doanh nghiệp đang là vấn đề quan tâm của Bình Thuận. Hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu trong hoạt động khai thác Titan nên hiệu quả khai thác thấp, tiến độ khai thác chậm, không khai thác hết thân quặng được gây lãng phí; ngoài việc thời gian khai thác dài, chậm hoàn thổ để trả lại mặt bằng cho các dự án khác.

Với công nghệ khai thác như hiện nay, nguồn nước mặt về lâu dài sẽ không đáp ứng được yêu cầu, chưa kể các hệ lụy về ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Hiện chưa có công nghệ nào được đánh giá là tốt để nâng cao giá trị thương phẩm. Trong khi đó, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng rõ, sau khi quặng Titan khai thác xong phải được chế biến sâu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo không cho phép xuất khẩu quặng thô.

Ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TN&MT

Ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đã cấp phép khai thác cho 7 đơn vị với DT trên 2.000 ha; trong đó 3 giấy phép chưa triển khai, 1 giấy phép tạm dừng để điều chỉnh quy mô diện tích và 3 giấy phép đang hoạt động. Riêng các giấp phép cấp cho công đoạn thăm dò, hiện nay các đơn vị đang thực hiện thăm dò, vì vậy tất cả diện tích này đều được giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, hiện cũng mới chỉ có 3 doanh nghiệp chính thức hoạt động khai thác là: Công ty Tân Quang Cường, Công ty Phú Hiệp và Công ty Đức Cảnh. Trước thực trạng nhiều bất cập trong hoạt động khai thác, chế biến Titan làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc giảm diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác Titan để nhường đất cho thực hiện các dự án khác.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, số phận của những doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư chưa khai thác, những doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, chế biến đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dự án khai thác Titan; trong đó, 10 khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò với diện tích 9.641 ha, 08 khu vực đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 2.542 ha sẽ ra sao?

Hiện các doanh nghiệp chỉ khai thác tuyển thô, sau đó tuyển tinh Titan rồi xuất khẩu

Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, nếu các nhà đầu tư thỏa mãn được các điều kiện về công nghệ khai thác, công nghệ chế biến sâu, bảo đảm môi trường thì Bình Thuận sẽ tiếp tục ủng hộ thực hiện theo định hướng Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hơn nữa, việc thành lập Trung tâm chế biến sâu Titan theo chủ trương của Trung ương tại Bình Thuận không nhất thiết là chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ tại Bình Thuận mà có thể lấy từ các địa phương khác, vì vậy việc thu hẹp diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác Titan sẽ không ảnh hưởng đến việc thành lập Trung tâm chế biến sâu Titan tại Bình Thuận”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: “Chúng ta không thể khai thác tuyển thô, sau đó tuyển tinh rồi xuất quặng đi, mà chúng ta phải chế biến sâu để nâng cao giá trị thương phẩm. Bình Thuận cũng đã chờ đợi nhiều năm rồi, mặc dù việc quy hoạch chế biến sâu Titan cũng đã được các đơn vị tư vấn, một số các đơn vị quản lý nhà nước, kể cả các cơ quan Trung ương đã vạch ra rõ lộ trình. Chúng tôi cũng đã hình thành một khu công nghiệp chuyên chế biến sâu quặng sa khoáng Titan, khu công nghiệp đó đã hình thành cũng đã khá nhiều năm, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư xứng tầm. Công nghệ khai thác mới là vấn đề quan tâm của tỉnh. Hiện nay về khâu chế biến sâu thì chưa có công nghệ nào được đánh giá là tốt để một mặt nâng cao giá trị thương phẩm, mặt khác công nghệ đó phải bảo đảm về vấn đề môi trường”.

Hiện trên địa bàn Bình Thuận, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư công nghệ được đánh giá là tốt để nâng cao giá trị thương phẩm

Như vậy, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vẫn tuân thủ theo định hướng Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác và chế biến sâu Titan tại địa phương này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải thỏa mãn được các điều kiện về công nghệ khai thác, công nghệ chế biến sâu và bảo đảm môi trường.

Thực tế hiện nay, để thay đổi được công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến Titan đang quá tầm đối với các doanh nghiệp, nên tỉnh Bình Thuận vẫn đang phải chờ đợi một nhà đầu tư chiến lược, có đủ thực lực để đầu tư công nghệ khai thác, chế biến sâu Titan ở tỉnh này.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/binh-thuan-cho-doi-cong-nghe-khai-thac-che-bien-sau-titan-1258714.html