Bình Thuận: 30 năm nỗ lực ứng phó với đại dịch HIV/AIDS

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 là cột mốc quan trọng, khẳng định những thành quả đạt được trong 30 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Gần xấp xỉ chừng ấy năm, cùng với cả nước, Bình Thuận đã trải qua một chặng đường dài trong công tác này và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Quyết tâm kéo giảm HIV/AIDS

Tháng 8/1994, Bình Thuận ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên, đó là một người bán máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Thông qua giám sát dịch tễ, ngành y tế đã xác định người này thuộc nhóm sử dụng ma túy và tử vong vào năm 1996. Đến năm 1999, Bình Thuận nhận được 01 loại thuốc điều trị HIV nhưng số lượng rất hạn chế, do đó chỉ có các trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS mới được sử dụng loại thuốc này.

Trước những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, huy động sự đóng góp của nhân dân và sự đầu tư của các dự án quốc tế để thực hiện hiệu quả công tác này. Cùng với phân bổ ngân sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư; ưu tiên đầu tư cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, quản lý và giám sát dịch tễ.

Nhờ vào nguồn kinh phí kịp thời, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh đã được bố trí sâu rộng khắp các tuyến. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 phòng xét nghiệm khẳng định HIV được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xét nghiệm HIV (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) và 14 cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV trải đều ở các địa phương với độ tin cậy cao. Công tác xét nghiệm HIV được tiến hành khá bài bản và thường xuyên. Bên cạnh đó, Dự án Life - GAP, Dự án Quỹ toàn cầu, Dự án AHF đã hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tăng cường nguồn lực đáng kể cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Công tác an toàn truyền máu được triển khai thực hiện khá tốt, từ năm 2005 đến nay, 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu đều được thực hiện sàng lọc.

Về công tác điều trị, tỉnh Bình Thuận hiện có 06 cơ sở thực hiện việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 01 phòng khám ngoại trú cho trẻ em. Tại các cơ sở điều trị, tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS đều được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng cơ hội hay gặp trên bệnh nhân HIV/AIDS cũng như các tác dụng phụ của thuốc ARV. Các bệnh nhân còn được cung cấp thuốc Co-Trimoxazole để điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội; điều trị dự phòng lao bằng thuốc INH theo đúng quy định. Tại các cơ sở điều trị, bệnh nhân đều được tư vấn để sống tích cực, giảm nguy cơ lây truyền cho người khác, thông báo tình trạng nhiễm của mình cho bạn tình, bạn chích chung... Bệnh nhân điều trị HIV/AIDS còn được chuyển tiếp đến các chương trình khác như Lao, STIs, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bộ máy tổ chức phòng, chống HIV/AIDS liên ngành được quan tâm xây dựng. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện các hành vi an toàn liên quan đến lây nhiễm HIV trong cộng đồng giúp giảm dần kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS và người thân của họ; coi trọng công tác can thiệp giảm tác hại, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tư vấn, chăm sóc hỗ trợ và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, tư vấn, xét nghiệm HIV sớm, dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con... Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống và thực hiện công tác giám sát dịch vụ HIV/AIDS trên địa bàn.

Nhờ vào những giải pháp can thiệp khoa học, số trường hợp nhiễm HIV tại Bình Thuận đã bắt đầu giảm từ năm 2010 và liên tục giảm vào những năm gần đây. Đến nay, tổng số tích lũy người nhiễm HIV là 6.492 người, gồm 1.539 người có địa chỉ tại Bình Thuận, 4.879 tại Trại giam Thủ Đức, 74 người tại Trại giam Huy Khiêm. Trong tổng số 1.539 người nhiễm HIV có địa chỉ tại Bình Thuận thì có 1.007 người nhiễm HIV còn sống.

Phấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90

Phát huy những kinh nghiệm phòng, chống HIV/AIDS trong suốt thời gian dài, Bình Thuận đang phấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), hướng tới chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.

Thực hiện thành công các mục tiêu 90-90-90 có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi vì, một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm bệnh cho người thân và cho nhiều người khác trong cộng đồng. Nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, thì họ cũng không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90, tạo nền tảng để chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 đang vấp phải những thách thức không nhỏ. Chỉ tính riêng tại Bình Thuận, trung bình mỗi năm phát hiện 70 ca nhiễm mới. Nếu năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 70 ca nhiễm HIV mới, thì năm 2020 số ca phát hiện là 65 ca mắc mới (tỷ lệ giảm chỉ ở mức 7,7%).

Các hành vi nguy cơ lây nhiễm diễn biến phức tạp, tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng, đáng chú ý là gia tăng trong nhóm đồng giới. Đây cũng là tình hình chung của cả nước, không riêng gì tại tỉnh. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng, chống HIV/AIDS diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Với thành quả 30 năm ứng phó HIV/AIDS, thì chúng ta không được chủ quan, bởi dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại. Dịch này không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp”.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, giảm số người tử vong liên quan đến AIDS, ngành Y tế khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên đi xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Trong thời gian này, nếu người mẹ được phát hiện nhiễm HIV thì sẽ được điều trị ngay. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp gia tăng tỷ lệ trẻ sinh ra không nhiễm HIV từ mẹ lên đến hơn 95%.

Phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của tất cả mọi người. Hãy tự nguyện xét nghiệm HIV để biết tình trạng sức khỏe của mình. Quan hệ tình dục an toàn, không tiêm chích ma túy, người nghiện ma túy nên đến cơ sở điều trị methadone để được điều trị. Đặc biệt, người tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, thì vẫn phải sử dụng bơm kim tiêm sạch và không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.

Minh Trường

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/binh-thuan-30-nam-no-luc-ung-pho-voi-dai-dich-hiv-aids-d143883.html