Binh sĩ bán trộm 'quốc bảo' Ratnik, Nga cuống cuồng đối phó

Tòa án binh Nga vừa tuyên án 6 năm tù và chịu quản thúc lâu dài một quân nhân vì tội trộm thiết bị bí mật của quân đội bán ra bên ngoài. Cụ thể quân nhân này đã trộm tới 56 bộ quân phục Ratnik.

Thiết bị bí mật được tiết lộ bao gồm 56 bộ giáp, 10 bộ thiết bị đặc biệt tất cả đều thuộc trang bị cấu thành bộ quân phục chiến binh tương lai (Ratnik). Những thiết bị bị mất này thuộc Sư đoàn Cơ giới số 2 của Quân khu phía Tây (đơn vị giáp với các thành viên của NATO).

Thiết bị bí mật được tiết lộ bao gồm 56 bộ giáp, 10 bộ thiết bị đặc biệt tất cả đều thuộc trang bị cấu thành bộ quân phục chiến binh tương lai (Ratnik). Những thiết bị bị mất này thuộc Sư đoàn Cơ giới số 2 của Quân khu phía Tây (đơn vị giáp với các thành viên của NATO).

"Tòa án quân sự đã kết tội cựu quân nhân này theo Phần 4 Điều 160 Bộ luật Hình sự Nga về Chiếm đoạt hoặc tham ô. Người này bị phạt 6 năm tù giam và phải chịu sự quản thúc đặc biệt của cơ quan chức năng sau khi mãn hạn tù", thông báo của tòa án binh Nga.

Quân đội Nga không tiết lộ những thiết bị đặc biệt này đã bị bán đến đâu và không rõ họ đã thu hồi được hay chưa. Bộ Ratnik hoàn chỉnh hay bất kỳ thành phần nào của bộ quân phục đặc biệt này luôn khiến phương Tây tò mò bởi công nghệ Nga ứng dụng trong đó.

Bằng việc có trong tay những thiết bị này, phương Tây có thể nghiên cứu tìm ra sơ hở để vô hiệu hóa những binh sĩ được trang bị bộ đồ công nghệ cao dành cho chiến đấu này.

Bộ Quốc phòng Nga chính thức trang bị quân phục Ratnik cho những đơn vị thuộc Quân khu phía Tây vào năm 2020.

Ratnik là bộ trang thiết bị quân sự dành cho quân nhân của Nga, còn được gọi là “tổ hợp cho người lính tương lai” do Viện nghiên cứu cơ khí chính xác trung ương (TSNIITOCHMASH) thuộc Tập đoàn Rosoboronexport sản xuất, bắt đầu được trang bị cho quân đội Nga từ năm 2017.

Bộ Ratnik còn bao gồm súng trường hiện đại, bộ thiết bị bảo vệ hiệu quả, các thiết bị trinh sát và liên lạc gồm khoảng 10 hệ thống nhỏ khác nhau.

Ratnik được thiết kế để hoạt động trong điều kiện khí hậu khác nhau và bất cứ lúc nào trong ngày. Ratnik-2 chịu được đạn bắn thẳng bằng súng trường bắn tỉa Dragunov (SVD) từ cự ly 10 mét, các bộ phận được bảo vệ là ngực trái, lưng và vùng háng.

Trong bộ quân trang tấn công, áo giáp chống được loại đạn gây cháy-xuyên giáp khi bắn ở khoảng cách từ 7-10 mét.

Đặc biệt, bộ quân trang Ratnik còn được trang bị đồng hồ vẫn làm việc sau vụ nổ hạt nhân. Chiếc đồng hồ này được trang bị cơ chế lên giây tự động xác định thời gian một cách nhanh chóng và chính xác trong khí hậu khắc nghiệt (từ -40°C đến + 50°C) và điều kiện hoạt động.

Đồng hồ có phiên bản có thể sử dụng khi bơi trong nước. Trọng lượng đồng hồ với dây quai không vượt quá 100 gram. Thời hạn sử dụng của đồng hồ không dưới 10 năm.

"Chiếc đồng hồ chúng tôi đã đưa vào bộ quân trang Ratnik vẫn giữ lại đặc tính hoạt động của nó khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời và các xung điện từ, ví dụ trong vụ nổ hạt nhân. Nếu người lính tiếp xúc với tác động điện từ của quả bom nguyên tử, đồng hồ sẽ tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn", ông Oleg Faustov, nhà thiết kế trưởng về thiết bị đảm bảo đời sống chiến đấu của quân nhân thuộc TSNIITOCHMASH, cho biết.

Bộ quân phục Ratnik gồm 40 thiết bị khác nhau như áo ngụy trang, áo giáp, mũ bảo hiểm, bộ bảo vệ chân, vai, hông, thiết bị liên lạc, kính ngắm… với tổng khối lượng bộ giáp này vào khoảng 20 kg.

Ngoài việc chú trọng phát triển giáp bảo vệ, Nga cũng đầu tư nhiều cho các thiết bị đi kèm Ratnik như hệ thống liên lạc. Strelets sẽ giúp người mặc thực hiện các cuộc thoại tiếng và hình cũng như định vị qua hệ thống GLONASS.

Đặc biệt, người chỉ huy có thể xác định chính xác vị trí của các binh sĩ dưới quyền thông qua một máy tính bảng nhỏ như quyển sách.

Chỉ huy cũng có thể sử dụng máy tính này gửi mệnh lệnh tới các thành viên trong đội, gửi dữ liệu hình ảnh hay âm thanh về sở chỉ huy.

Ratnik đã được thử nghiệm thành công trong chiến dịch hoạt động quân sự ở Syria, trong thời gian đó không bộ phận nào của áo giáp bị bắn thủng. Hiện bộ Ratnik có giá tối thiểu 200.000 rúp (khoảng hơn 3.000 USD). Tuy nhiên khi được bán ra thị trường chợ đen hoặc các nhóm điệp viên phương Tây, bộ đồ này có thể sẽ có giá cao hơn rất nhiều.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-binh-si-ban-trom-quoc-bao-ratnik-nga-cuong-cuong-doi-pho-post459240.antd