Bình Phước ổn định cuộc sống kiều bào Campuchia hồi hương

Mặc dù đã được cấp đất, nhà ở nhưng người dân di cư tự do từ Campuchia về sống tại khu tái định 119 vẫn chưa có quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu.

Những năm gần đây, nhiều người di cư tự do từ Campuchia về Bình Phước, sống dựa vào nghề đánh bắt thủy sản tại lòng hồ thủy điện nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Dù ngân sách địa phương còn eo hẹp nhưng Bình Phước đã có những nỗ lực trong việc quy hoạch, xây dựng khu tái định cư để tạo điều kiện cho người dân di cư sớm hòa nhập cộng đồng, không để xảy ra tình trạng đói ăn, thất học.

Con đường trong khu tái định cư 119 rộng rãi, thông thoáng.

Con đường trong khu tái định cư 119 rộng rãi, thông thoáng.

17 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Thi (SN 1987) rời Campuchia về Việt Nam sinh sống. Không đất, không nhà nên gia đình chị phải sống lênh đênh trên mặt hồ thủy điện Cần Đơn thuộc xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Rồi chị Thi cũng lập gia đình. Gia đình nhỏ của chị lại tiếp tục cuộc sống trôi nổi trên mặt nước hồ thủy điện giống như đời cha mẹ thuở còn “tha phương cầu thực” ở Campuchia.

Cách đây 3 năm, chị nhận thông báo “lên bờ”. Nhớ lại cảm xúc lúc đó, chị Thi vừa mừng vừa lo. Mừng vì gia đình chia tay với cuộc sống chông chênh sông nước, lo là lên bờ thì lấy cái gì để nuôi bao miệng ăn trong gia đình vì thu nhập chính của hai vợ chồng chủ yếu bằng nghề thả lưới. Bàn đi, tính lại, hai vợ chồng chị quyết định chia tay “ngôi nhà trên sông” vì chuyện học hành, vì tương lai của hai đứa con nhỏ.

Những căn nhà tình thương của bà con kiều bào Campuchia hồi hương ở khu tái định cư 119.

Cùng vượt qua khó khăn ban đầu, từ bỏ cuộc sống bấp bênh trên nước như gia đình chị Thi còn có hơn 120 hộ dân. Vượt qua khó khăn ban đầu, giờ đây gia đình chị Thi cũng như các hộ dân khác đã có cuộc sống ổn định trong khu tái định cư 119, thuộc thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập.

Tất cả con em kiều bào Campuchia hồi hương đều được đi học.

“Đời ông cha sống lênh đênh nên giờ cố gắng lên bờ cho biết với người ta. Ai thuê gì làm đó như đi lượm hạt điều, đi làm cỏ... sau đó có được ít tiền mở tạp hóa bán hàng. Ông bà xưa đã khổ, giờ phải cố gắng để mai mốt cho con ổn định nên mình quyết tâm”- chị Thi chia sẻ.

Khu tái định cư 119 rộng hơn 36ha thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Phúc. Mỗi hộ sống trong khu tái định cư 119 được cấp một căn nhà tình thương do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 ở Bình Phước xây tặng trên nền đất từ 350-400m2. Khác với nơi bốn bề là sông nước, những người dân sinh ra và lớn lên ở trên Biển Hồ được hưởng cuộc sống với trang bị đầy đủ điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, mương thoát nước…

Với diện tích đất 400m2, người dân trồng rau màu để lo cho cuộc sống gia đình.

Ông Điểu Đé, Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa cho biết, sau một thời gian sống trong khu tái định cư giờ không ai muốn quay về cảnh sống chông chênh trước. Mọi người tự ý thức làm ăn để nhanh chóng thoát nghèo.

“Trước đây, bà con sống ven sông, ven bưng làm cá khó khăn hơn, giờ lên bờ được thuận tiện hơn khi có trường cho con cháu học hành, có đèn sáng trong nhà. Người dân chủ động đi làm thuê, góp vốn tính toán trong gia đình để vươn lên trong cuộc sống”- ông Điểu Bé cho biết.

Không chỉ có nhà để ở, đất trồng rau màu, hiện nay, UBND huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các phòng, ban và các xã rà soát, linh động giấy tờ đưa tất cả trẻ em kiều bào đang sống trong Khu tái định cư 119 được đến trường. Huyện Bù Gia Mập cũng tạo điều kiện để người trong độ tuổi lao động được học nghề, giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp.

Tận dụng diện tích đất chưa có người ở, người dân trồng trọt thêm để kiếm thêm thu nhập.

“Ở là một phần nhưng phải tạo công ăn việc làm. Ở đó mà không tạo công ăn việc làm rất nguy hiểm sẽ sinh ra tệ nạn xã hội. Hiện nay, huyện mở các lớp cạo mủ cao su cho người dân. Một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao cũng rất cần nhân công”- ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết thêm.

Mặc dù đã được cấp đất, nhà ở nhưng người dân di cư tự do từ Campuchia về sống tại khu tái định 119 vẫn chưa có quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu. Điều người dân mong muốn địa phương sớm tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đồng bào làm được hộ khẩu trên quê hương ruột thịt của mình./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/binh-phuoc-on-dinh-cuoc-song-kieu-bao-campuchia-hoi-huong-1060925.vov