Bình Phước ngăn chặn tình trạng bán điều non

Để trang trải cuộc sống, nhiều hộ phải bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất đai và không ít hộ vướng vào bẫy 'tín dụng đen'.

Đồng bào S Tiêng thu hoạch điều.

Đồng bào S Tiêng thu hoạch điều.

Vấn nạn này vẫn đang nhức nhối và có xu hướng gia tăng

Theo ghi nhận tại huyện Bù Đăng và huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước nơi tập trung đồng bào DTTS. Số hộ dân bán điều non ở 2 huyện chiếm tới 93,67% số hộ bán điều non trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, việc cầm cố, thế chấp đất sản xuất đang diễn ra ồ ạt khiến cuộc sống của người đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa bị xáo trộn.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Bình Phước có gần 196.000 người thuộc 40 thành phần DTTS cùng sinh sống, chiếm khoảng 20% số dân trong tỉnh và sống bằng nghề trồng cây công nghiệp lâu năm, chủ yếu là cây điều. Do mất mùa triền miên, nông sản lại rớt giá nên đời sống kinh tế của các hộ đồng bào đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Để mưu sinh, nhiều hộ phải điều non, cầm cố, sang nhượng vườn rẫy dẫn đến mất sạch đất canh tác. Năm 2017, cả tỉnh có 482 hộ bán điều non thì đến năm 2020 con số này đã tăng lên 663 hộ, với tổng diện tích hơn 1.161 ha (tương đương 37,5 tỷ đồng).

Để ngăn chặn tình trạng này, từ 2017 đến nay, UBND tỉnh Bình Phước liên tục có chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS và tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về hậu quả của việc bán điều non và cầm cố tài sản. Tuy nhiên, đến nay vấn nạn này vẫn đang nhức nhối và có xu hướng gia tăng.

Cây điều trở thành thu nhập chính của đồng bào dân tộc.

Khó ngăn chặn “tín dụng đen”

Là tỉnh miền núi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với thu nhập chính từ những vườn điều. Bình Phước nhiều năm nay trở lại đây, mùa màng thất thu, giá nông sản xuống thấp đẩy nhiều hộ dân vào cảnh nợ nần. Để trang trải cuộc sống, nhiều hộ phải bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất đai và không ít hộ vướng vào bẫy “tín dụng đen”.

Số liệu từ ngành chức năng cho thấy, từ năm 2017 - 2020, các cơ quan chức năng đã giải quyết hành chục vụ liên quan đến giao dịch mua bán điều non, cầm cố, bán đất trong vùng đồng bào. Trong đó, đã khởi tố 2 vụ án, 2 đối tượng cho vay nặng lãi. Nhưng đến nay, hoạt động “tín dụng đen” vẫn “nóng” lên từng ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, khi giao dịch chủ nợ “nắm đằng cán” cầm giấy vay, người vay không giữ được giấy vay tiền nên việc chốt nợ không minh bạch và mập mờ. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, đa số các hộ dân không có một tờ giấy lận lưng về số nợ và tiền đã trả. Các thỏa thuận chỉ dừng lại ở mức độ giao dịch dân sự, khó xử lý hình sự nên tính răn đe còn nhẹ dẫn đến các đối tượng cho vay nặng lãi có cơ hội hoành hành.

Cụ thể, hộ ông Điểu Phăn và chị Thị Vlát (ngụ xã Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) mất mùa điều vào tháng 7/2016 chấp nhận vay 160 triệu đồng với lãi suất cao. Sau đó, số tiền gốc và lãi được ủy quyền đòi nợ đã lên tới 1,6 tỷ đồng (gấp 10 lần) nên họ chỉ còn biết ký giấy sang nhượng vườn rẫy, không còn nguồn thu khác để trả nợ. Tương tự, chị Thị Lơi (ngụ xã Bù Gia Mập) vay 50 triệu đồng của một người trong vùng nhưng không hiểu cách tính lãi suất vay, khi đến hạn trả chị tiếp tục vay nóng để trả nợ, đến nay số tiền gốc và lãi tăng hơn 500 triệu đồng.

Trước những thực trạng trên, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh đang tăng cường tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới đất, bán đất, bán điều non trong vùng đồng bào DTTS và phát huy vai trò hạt nhân của đội ngũ già làng, người có uy tín trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cộng đồng người DTTS.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc tấn công vào các đối tượng, tổ chức “tín dụng đen”, ngăn chặn việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người DTTS để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phạm Xuân Chung - Tuệ Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-phuoc-ngan-chan-tinh-trang-ban-dieu-non-d152414.html