Bình Phước: Công tác gia đình góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điều kiện sống của các gia đình tại Bình Phước được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và người cao tuổi.

Căn cứ Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư “Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Chỉ thị 49), Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 5 thực hiện Chỉ thị và các văn bản có liên quan của Trung ương về công tác gia đình đến cán bộ chủ chốt, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch để thực hiện. Việc đổi mới nội dung, phương thức trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở ngành được quan tâm; công tác phối hợp giữa các đơn vị tại địa phương cũng được triển khai toàn diện, đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở luôn nhận thức được tầm quan trọng về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững của xã hội; từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Nội dung, chỉ tiêu về công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn và hằng năm. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, đến nay, tình trạng bạo lực gia đình ngày càng giảm, điều kiện sống của các gia đình được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và người cao tuổi.

Từ quá trình thực hiện phong trào, mô hình hoạt động thiết thực của các đoàn thể có tác dụng thúc đẩy việc xây dựng đời sống văn hóa như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Giáo dục trẻ em không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội”...; các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình hạnh phúc”…

Thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, tỉnh Bình Phước đã đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn. Người dân đã biết phát huy lợi thế trong từng hộ gia đình để tăng gia sản xuất, ngành nghề dịch vụ, tăng thu nhập, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, ngành nghề dịch vụ, tăng thu nhập, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại. Các chính sách về an sinh xã hội luôn được quan tâm và thực hiện đúng quy định nhằm đảm bảo cho các gia đình được trợ giúp, nhận hỗ trợ để ổn định cuộc sống, góp phần mang lại hạnh phúc ấm no cho mỗi gia đình. Tập trung công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần giảm hộ nghèo và ngăn ngừa tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng đến gia đình.

Chính quyền, đoàn thể và các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các hội nghị, tập huấn hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất và trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng ở địa phương, nhằm đảm bảo về nguồn cung cầu phù hợp, tạo nguồn thu ổn định cho nhân dân.

Cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình với các chính sách ưu đãi về hỗ trợ vốn, cây, con giống bằng nhiều hình thức khác nhau; nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị tiên tiến, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả chất lượng sản phẩm cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, chất lượng cuộc sống của hộ gia đình, mỗi thành viên ngày càng được nâng cao, kinh tế hộ gia đình phát triển năng động.

Tại một số địa phương, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu từ sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn vốn, đất đai, lao động được nhân rộng. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số hộ nghèo năm 2010 là 13.724 hộ, chiếm tỷ lệ 6,22%, đến cuối năm 2019 giảm còn 6.691 hộ, chiếm 2,56%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai Chỉ thị thời gian qua tại Bình Phước cho thấy còn một số hạn chế, tồn tại. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ cấp huyện đến cấp xã hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm; tại thôn, tổ dân phố không có hệ thống cộng tác viên phụ trách lĩnh vực gia đình nên việc tổ chức thực hiện các nội dung, quy định về công tác gia đình còn nhiều khó khăn. Công tác truyền thông và giáo dục về đời sống gia đình chưa thường xuyên, liên tục.

Để Chỉ thị 49-CT/TW đạt hiệu quả cao, thời gian tới, bên cạnh việc triển khai toàn diện nội dung các văn bản của cấp trên, của tỉnh về công tác gia đình, Bình Phước xác định rõ đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Chỉ thị. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác gia đình, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, cán bộ là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục duy trì, nhân rộng một số mô hình, đề án về nâng cao chất lượng công tác gia đình nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình…/.

Hoàng Mẫn-Bảo Châu

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/binh-phuoc-cong-tac-gia-dinh-gop-phan-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-562033.html