'Binh pháp' sống chung với 7 bà vợ của người đàn ông đa tình nhất Tây Bắc

Hơn 60 tuổi, từng có 7 bà vợ và 23 người con, ông Thào Nhịa Dia ở bản Hua Ty, xã Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La) đã tạo nên một kỷ lục khó tin nhưng có thật ở vùng Tây Bắc.

Hơn 60 tuổi, từng có 7 bà vợ và 23 người con, ông Thào Nhịa Dia ở bản Hua Ty, xã Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La) đã tạo nên một kỷ lục khó tin nhưng có thật ở vùng Tây Bắc. Câu chuyện ông Dia phạm luật “lấy thêm vợ”, rồi quần quật nuôi bầy con lít nhít vừa hài hước vừa đầy chua xót.

Kiếp chồng chung

Từ Thuận Châu vào Co Mạ phải vượt qua con đèo Chiềng Bôm dài khoảng 30km. Sau nửa buổi sáng vật lộn với khúc cua quanh co, uốn lượn theo triền núi, chúng tôi cũng tìm được nhà lão Dia. Nhà lão thấp lè tè, nhuộm màu thời gian, ẩm mùi khói bếp Đây là nơi ở của hàng chục con người.

Lão Dia không có ở nhà, chỉ có một người phụ nữ người Mông đang cặm cụi ngồi thêu bên bậu cửa. Chị này tên là Giàng Thị Và, tự nhận là vợ 7 của lão Dia. Cạnh chị là mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau, quần áo lấm lem bùn đất. Trông chúng chẳng ai có thể nhận ra đứa nào là chị là em.

Lão Dia và bà vợ thứ 7 của mình

Năm nay, Và mới ngoài 30 tuổi mà đã có tới 4 đứa con. Đó còn chưa tính đứa con trong bụng. Hỏi về chuyện những bà vợ trước của lão Dia, Và tỏ ra rất bình thản. Nói đến bà nào Và cũng 1 câu chị, 2 câu chị, không hề có thái độ hằn học hay ghen tị. Và luôn tự coi mình là em út của cả nhà.

Và bảo, bà cả đi sang trông cháu ở tận Mường Nhé (Điện Biên), Và ở nhà trông đàn con này với chồng. Theo Và thì đến giờ tổng số con của chồng mình đã lên tới con số 23, trừ những đứa con gái lớn của bà cả đi lấy chồng, còn lại chúng đều ở lại đây cả. Lạ hơn cả là tất cả những đứa trẻ này đều gọi Và là mẹ, dù là đứa đã lấy chồng, lấy vợ rồi. Ngay cả những đứa con của Và cũng vậy, chúng cũng coi những bà vợ trước của bố như mẹ đẻ của mình.

Mặt trời đứng bóng, lão Dia thồ nước về. Lão Dia đội chiếc mũ rộng vành theo kiểu của những tay cao bồi miền Tây nước Mỹ. Dáng lão thấp đậm, rắn rỏi, chắc khỏe như cây lim, cây nghiến ở trên rừng vậy. Khuôn mặt lão nhuộm màu nắng gió. Giọng nói của lão vang và ấm. Lão có bộ ria dài, dầy và đen nhánh. Thoạt nhìn, ai nhìn thấy tưởng lão là người hung dữ nhưng khi tiếp xúc rồi mới biết lão hiền khô.

Vừa hạ chiếc mũ xuống, lão đã vồn vã mời khách vào nhà như là quen thân lâu lắm rồi. “Nhà báo đã đến đây rồi phải ở lại uống rượu cùng tôi mới được!”, lão bắt đầu câu chuyện bằng lời mời thân tình đó.

Như đã thành lệ, bà 7 đã lúi húi ở dưới bếp chuẩn bị bữa ăn trưa, mổ gà xương đen khoản đãi khách. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, lão Dia chủ động nói về người vợ này: “Cô này là vợ 7 - em út trong nhà. Tôi vừa kéo về được mấy mùa rẫy rồi. Tuổi của vợ út này bằng tuổi đứa con cả của mình đấy!”. Lão nói đầy vẻ tự hào.

Lão Dia đa tình

Chỉ thoáng sau bữa cơm tươm tất đã được dọn ra, chỉ có tôi và lão ngồi uống rượu. Uống cạn với lão vài chén, lão mới mở lòng tâm sự. Lão sinh năm Kỷ Hợi (1959), thuộc cung Khôn, mệnh Bình địa mộc, có nghĩa là cây mọc trên đất bằng. Chẳng thế mà cuộc đời lão gắn bó với rừng như môi với răng vậy.

Lão sinh ra trong một gia đình đông anh em. Bố mẹ đều là cán bộ huyện. Khác với những chàng trai Mông ngày đó, lão được bố mẹ cho đi học tại trường Nội trú khu tự trị Tây Bắc. Vốn là người thông minh, sáng dạ bố mẹ lão rất hy vọng sau này lão sẽ là một cán bộ tốt.

Tằng tằng thêm vợ

Học đến lớp 7 (khi đó lão tròn 15 tuổi) lão đã thấy lồng ngực mình nổi lên cuồn cuộn và tim đập rộn ràng khi thấy sơn nữ bước qua. Những ngày đi chơi xuân, lão cưỡi ngựa, vai đeo khèn, kèn lá dắt hông hệt như lãng tử. Lão đi đến đâu các cô gái luôn quây xung quanh bởi lão thổi đàn môi rất hay. Tiếng đàn môi của lão khiến sơn nữ mê mẩn như bị bỏ bùa mê thuốc lú, quên cả lối về.

Sau mấy phiên chợ xuân, lão đã để ý tới một cô gái tên là Lý Thị Sua rất xinh ở huyện Sông Mã. Cũng như nhiều sơn nữ khác, Sua đã không ngần ngại dang tay để lão kéo về làm vợ.

Mối tình lãng mạn và đầy chất thơ này để lại trong lão Dia nhiều ấn tượng. Khi đó lão mới 15 tuổi, nàng Sua 13 tuổi. Lấy nhau được 2 năm, nàng Sua đã sinh đứa con gái đầu lòng. Lấy vợ xong, lão lại tiếp tục dùi mài kinh sử tại trường Nội trú khu tự trị Tây Bắc. Khi đó bố mẹ lão vẫn hy vọng, lão sẽ tiếp tục theo con đường học hành để sau này làm cán bộ.

Mỗi người vợ của lão Dia ở trong một ngôi nhà nhỏ

Trong những ngày học ở trường, vốn là người khéo miệng lại thổi kèn lá hay, lão đã khiến nhiều cô gái chết mê chết mệt. Cô Mùa Thị Mái đã không thoát khỏi “lưới tình” mà lão đã bủa vây. Chỉ sau thời gian ngắn tìm hiểu và yêu đương, Mái đã đồng ý là vợ bé của lão Dia.

Lão dẫn vợ hai về, “xin phép” vợ cả cho Mái ở cùng một mái nhà. Lạ thay nàng Sua không ích kỷ mà đồng ý cho Mái làm em của mình.

Mới ngoài 20 tuổi mà lão Dia đã có 2 vợ. Cũng bởi vợ bìu con díu nên lão bỏ luôn cả nghiệp bút nghiên. Lão về bản tiếp tục sự nghiệp… “trồng người” của mình.

Bà Sua, vợ cả vốn là người mắn đẻ, chung sống với nhau hơn chục năm bà đã cho “ra lò” 13 đứa con, trong đó có 7 con gái, 6 con trai. Bà 2 cũng sinh cho lão 1 cậu con trai. Người bố trẻ của mưới mấy đứa con, luôn phải đầu tắt mặt tối ở trên nương để lo cho cái ăn của cả nhà.

Những tưởng khó khăn vất vả đó sẽ khiến cái tính lãng mạn, đa tình của lão không còn đất sống, nào ngờ sau những chuyến chở đậu tương xuống huyện Thuận Châu bán, lão đã để ý tới một người phụ nữ đã có chồng là Và Thị Lánh (SN 1975).

Theo như lời lão Dia, cô Lánh rất đáng thương. Lánh đã có chồng, chưa có con, vợ chồng sống không hạnh phúc. Lánh thường xuyên bị chồng đánh, bữa cơm nào cũng chan đầy nước mắt, tủi cực. Đến năm 1990, Lánh bị chồng ruồng bỏ. Thương phận liễu yếu đào tơ, giữa dòng đời cơ cực, lão đã về nhà bàn với 2 bà vợ của mình xin đón nàng Lánh về ở cùng.

Về ở chung, ban đầu, bà cả có vẻ không ưng lắm vì Lánh ăn nói không được lễ phép. Lời bà cả là tối thượng, nên đôi lúc lão Dia cũng phân vân, định trả Lánh về… nơi ở cũ. Tuy nhiên, sau thời gian chung sống, được chồng và các bà vợ trước rèn rũa, Lánh đã thay đổi. Không kém cạnh gì bà cả, chỉ sau vài năm cô Lánh này cũng đã có 4 đứa con.

Dù là con của bà 7 hay bà cả, họ đều coi là con chung

Cứ theo cái “lý” của lão Dia, lão vốn là người hay thương người, các bà vợ kia mỗi người mỗi cảnh, thương tình nên lão đón về nhà ở để có chỗ nương tựa vào nhau. Có lẽ, cũng vì cái “lý” cái “tình” đó mà lão thuyết phục được tất cả các bà vợ sau này đồng ý cho lão lần lượt đón thêm 4 người vợ nữa có số phận đều đáng thương.

Người vợ thứ 4 đến với lão cũng hết sức tình cờ. Cô này tên là Quàng Thị Thanh (SN 1973) là người Thái, ở huyện Thuận Châu đã có chồng và 3 đứa con cắp nách. Chồng của Thanh buôn bán ma túy nên bị bắt ở tù. Hai người đã bỏ nhau. Hoàn cảnh của mẹ con cô Thanh này lúc đó rất đáng thương. 4 mẹ con ở trong ngôi nhà dột tứ bề, đứt bữa thường xuyên.

Thời gian đầu lão giúp mẹ con Thanh củ khoai, củ sắn, thỉnh thoảng cho cái chăn khi đông về. Sự đi lại giữa hai bên ngày một thân thiết. Và rồi chuyện gì đến sẽ phải đến, vào một ngày xuân đẹp trời, lão đã “thưa” chuyện này với bà vợ cả. Không ngờ bà Sua không trách chồng mà cùng lão xuống tận xã Chiềng Ly để đón bà vợ thứ 4 cũa lão về nhà. Trai người Mông nơi đây cho rằng, nếu lấy vợ 2 mà được vợ cả tác hợp thì không có gì phải nghĩ nữa.

Bỏ thêm củi vào bếp lửa, lão Dia tiếp tục câu chuyện về đời mình. Ấy là câu chuyện về người vợ thứ 5 của lão. Cô này tên là Nguyễn Thị Hải, người Kinh, quê gốc ở Vĩnh Phú.

Cô Hải cũng có số phận long đong. Chồng mất sớm, để lại cho cô 1 người con trai. Cô Hải bán hàng xén, ngày ngày rong ruổi đi khắp nơi. Chẳng hiểu “trời xui khiến” thế nào mà cô lại dừng chân bán hàng tại Co Mạ. Và, ở đây, cô đã gặp lão. Biết lão đã có tới 4 người vợ, nhưng tơ hồng trời buông, cô vẫn mê tít.

Lão Dia cũng nhiệt tình dang tay đón thiếu phụ cơ nhỡ đó làm vợ thứ 5 của mình. Đứa con trai của cô Hải là Nguyễn Văn Long cũng được lão nhận là con của mình và được đặt thêm tên của người Mông là Thào Pó Của.

Như để chữa thẹn, khi câu chuyện “lấy nhiều vợ” đang vào hồi gay cấn thì lão Dia khoe, lão không phải là người nhiều vợ nhất ở đất Co Mạ này. Ông ngoại lão có tới 9 người vợ, trong đó có cả người vợ quê ở nước bạn Lào. Theo lão thì ông ngoại có tất cả 37 cô con gái và 6 người con trai.

Không biết có phải do “noi gương” ông ngoại mình hay không mà lão vẫn chưa chịu “dừng bước” trên “con đường tình” không có điểm kết thúc đó của mình. Lão bảo, bà vợ thứ 6 đến với lão như một điều tất yếu, như duyên tiền định không thể chối từ.

Bà vợ này có cái tên rất mĩ miều là Nguyễn Thị Phương Oanh (SN 1965) – người Kinh. Người vợ thứ 6 này của lão cũng có bản lý lịch tương đối dài. Quê gốc ở Hưng Yên, từng đi lang bạt kì hồ khắp nơi buôn bán thuốc Tây và chưa lấy chồng. Một ngày đẹp trời, bà Oanh về bán thuốc tại cửa rừng Co Mạ. Loanh quanh thế nào mà bà này lại ở nhờ nhà lão Dia. Chứng kiến cảnh lão vợ nọ con kia, bận bịu tối ngày, bà đã đem lòng thương xót. Từ thương rồi thành yêu lúc nào chẳng hay. Yêu quên luôn cả lối về, bà Oanh tự nguyện “nhập khẩu” vào đại gia đình của lão.

Nhà lão Dia có tới 2 hộ khẩu vẫn chưa đủ chỗ để đề tên các con

Người vợ thứ 7 đến với lão cũng hết sức tình cờ. Lão Dia là người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở xã Co Mạ. Không những thế hằng ngày lão còn đi khắp các bản, vận động bà con tham gia trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Chính trong những ngày dài đánh vật với đất, với cây đó lão đã quen chị Giàng Thị Và (SN 1981) ở bản Hua Ty B, xã Chiềng Bôm.

Và lấy chồng đã 13 năm mà không có con. Họ đã đi chạy chữa khắp nơi để kiếm một mụn con mà không thành. Chán cảnh vợ chồng sống với nhau quạnh quẽ, chồng Và đã đi tìm người khác. Khi người tình của chồng có thai, anh chồng này cũng từ bỏ luôn người vợ sau bao năm má ấp vai kề.

Thấu hiều hoàn cảnh của Và, lão Dia đã động lòng trắc ẩn. Lão đã được “tập đoàn thê tử” đồng ý đón chị Và này về nhà ‘góp gạo thổi cơm chung”. Thế là sau gần 30 năm mải mê chinh chiến và yêu đương, lão Dia cũng đã kịp nâng số vợ của mình lên con số 7.

“Binh pháp” vận hành bầu đàn thê tử

Khi “số lượng” vợ tăng lên nhanh chóng, ngôi nhà nhỏ ban đầu của lão Dia được nới rộng ra. Lão làm thêm 3 cái nhà nhỏ nữa quanh nhà chính, mỗi vợ cai quản một nhà. Các bà vợ ở riêng nhưng nhất nhất phải đi làm nương, ăn cùng mâm với nhau. Mọi việc trong gia đình lão cắt cử đâu vào đó.

Ngồi uống rượu với lão Dia cả buổi mà vẫn chưa vãn chuyện. Bất chợt tôi hỏi lão: “Làm cách gì mà bác có thể chiều được tất cả các bà vợ của mình?”. Trước câu hỏi có phần tế nhị đó, tưởng lão phải đắn đo, nào ngờ lão cười một tràng dài sảng khoái và bảo: “Rừng già có hàng vạn, hàng triệu cây đều có chỗ cho mỗi loài. Với các bà vợ của tôi cũng vậy, ai cũng được đối xử rất tử tế, yêu thương hết mực. Không bà nào hơn bà nào cả. Mặc dù trong lòng mình có muốn ưu ái bà nào cũng không được. Bởi lẽ chỉ cần dành tình cảm cho ai phần hơn là có mâu thuẫn nội bộ ngay. Con của bà cả cũng như con của bà 2, bà 3, bà 7… tất cả đều được đối xử như nhau, không hơn không kém!”.

Rượu ngà ngà, lão cũng chẳng giấu cả chuyện chăn gối vợ chồng. Lão bảo, trời phú cho lão sức khỏe tuyệt vời. Bởi thế, 7 bà sống trong 5 ngôi nhà, mỗi tối lão đều đủ sức… “đi tuần” hết lượt. Lão bảo, phụ nữ có thể đói cơm, đói mặc, chứ cái “khoản ấy” mà các bà không đủ, e khó mà chung sống… hòa bình với nhau được.

Lão Dia nhọc nhằn kiếm sống nuôi đàn con quá đông của mình

Người tình ra đi và nỗi ân hận muộn màng

Mang tiếng là “năm thê bẩy thiếp”, lão Dia cũng chưa bao giờ dám giữ các bà vợ là… của riêng của mình. Lão bảo, mỗi người vợ đến với lão đều theo một con đường khác nhau và ở với nhau do sợi dây tình cảm níu giữ chứ không vì điều gì khác. Và, khi sợi dây ấy không còn đủ bền chặt thì họ có thể ra đi.

Người đầu tiên rời bỏ lão là bà vợ thứ 2. Sau thời gian chung sống, có với nhau một mặt con, bởi công việc nhà nước, bà này đã không thể sống trọn đời với lão theo kiểu “một ông mấy bà” đó được. Khi đi, bà mang theo đứa con đã có với lão. Bây giờ, thỉnh thoảng lão cũng xuống phố huyện thăm họ. Khi chở theo con lợn, khi bao gạo. Lão bảo: “Vợ đi rồi thì thôi, chứ mình phải có trách nhiệm với đứa con của mình”.

Bà hai đi, kế tiếp là bà vợ thứ 5, Quàn Thị Thanh. Bởi chồng vướng vào cảnh tù tội, thương tình, lão đón bà này về ở chung cùng với 3 đứa con thơ dại. Ăn ở với nhau được mấy năm lão đã có thêm với bà vợ này một người con. Khi chồng bà Thanh ra tù muốn nối lại duyên cũ, lão liền bảo bà Thanh rằng: “Mình còn tình cảm với người ta thì nên về. Tôi không ngăn cản gì đâu!”.

Thương chồng cũ, thương các con, bà Thanh đành phải gạt lệ chia tay tổ ấm mới của mình. Trước hôm tiễn vợ về với người xưa, lão mời anh chồng cũ đến nhà lão uống rượu. Không những thế, lão còn cho gà, lợn, gạo… để cho đôi vợ chồng ấy có cái mà sống trong những ngày đầu.

Sau này, hai bà vợ người Kinh cũng xin lão để được đi lấy chồng khác. Không hề gây khó dễ, lão bảo, nếu thấy “bến đậu” đó là hạnh phúc thì lão sẵn sàng ủng hộ. Các bà vợ ấy ra đi nhưng đều để lại con cái cho lão nuôi.

Đến thời điểm này, với 7 bà vợ, lão Dia có cả thảy 23 đứa con. Mấy đứa lớn đã lập gia đình, còn lại toàn lít nhít. Rượu cay đầu lưỡi, lão bảo, từ khi lấy vợ đến nay, cuộc đời lão chỉ xoay quanh vấn đề cơm, áo, gạo, tiền… Lão làm quần quật ở trên nương, chẳng mấy khi được nghỉ một ngày. Lão bảo, bao nhiêu thóc, bao nhiêu ngô đổ vào mà các con của lão vẫn chẳng thấy lớn, thấy khôn. Nhiều hôm, thấy mình lao động như con trâu con ngựa trên nương, trên núi, lão cũng thấy xót xa cho phận mình, thấy ân hận bởi sự “tham lam” lấy nhiều vợ của mình. Nhưng tất thảy đều quá muộn.

Theo VTC News

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/binh-phap-song-chung-voi-7-ba-vo-cua-nguoi-dan-ong-da-tinh-nhat-tay-bac-p46114.html