Bình luận của TG&VN - Người đặc biệt John McCain

Đi ngược lại lập trường đảng phái, thẳng thắn thể hiện thái độ với Tổng thống đương nhiệm, tích cực đẩy mạnh quan hệ với quốc gia mà ông từng tham chiến, chỉ từng đó thôi là đủ để Thượng nghị sỹ John McCain trở thành nhân vật đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ nói chung và quan hệ Việt – Mỹ nói riêng.

Con người đặc biệt ấy đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 25/8 (giờ Mỹ), bên cạnh vợ và các con, đặt dấu chấm hết cho một cuộc đời lắm thăng trầm, nhiều cảm xúc. Nếu những phát biểu của ông lúc sinh thời khiến chính trường Mỹ xôn xao bao nhiêu thì sự ra đi của ông cũng làm họ thương tiếc bấy nhiêu.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush bày tỏ: “John McCain là người có niềm tin sâu sắc và vô cùng yêu nước. Ông ấy đã hết lòng phục vụ đất nước và đối với tôi, ông ấy là người bạn mà tôi sẽ rất nhớ.” Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người có mối quan hệ trắc trở với ông McCain, cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất.

Trong cuốn hồi ký ra mắt hồi tháng Năm, ông McCain từng thừa nhận rằng ông “ghét rời xa khỏi thế giới”, xong khi khoảnh khắc ấy đến, ông cũng vẫn sẽ buông tay. Cuộc sống của ông là “một hành trình khá tuyệt… tôi đã biết đến những đam mê lớn lao, thấy nhiều điều kỳ diệu, tham gia một cuộc chiến, và giúp kiến tạo hòa bình”.

Cố Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain. (Nguồn: CNN)

Một cuộc chiến, một con người

Nhiều học giả Mỹ từng nhận định rằng cuộc đời của cố Thượng nghị sỹ John McCain gắn liền với hai chữ “Việt Nam” và họ có lý do của riêng mình. Sinh trường trong một gia đình có truyền thống lâu đời trong quân đội, với ông và cha từng đảm nhiệm vị trí Đô đốc Hải quân, ông McCain luôn nghĩ rằng mình sẽ nối nghiệp ông cha khi trở thành phi công trong lực lượng Hải quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Song tất cả đã thay đổi khi máy bay ông điều khiển bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội ngày 26/10/1967, bản thân trở thành tù binh chiến tranh cho đến khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Paris năm 1973. Bước ngoặt này không chỉ tôi luyện bản lĩnh kiên cường và lòng yêu nước của ông McCain, mà còn giúp ông thấy được cái giá quá đắt của chiến tranh và sự cần thiết của hòa bình. Ông từng chia sẻ ba lời khuyên cho giới lãnh đạo Mỹ trước khi đưa những người lính tham gia chiến tranh: “Hãy cho người Mỹ biết sự thật. Hãy khiến họ đồng lòng cùng chúng ta. Cuối cùng, hãy hiểu rõ cái giá của chiến thắng và đừng bao giờ quên điều đó.”

Chạy đua và trở thành Thượng nghị sỹ bang Arizona năm 1987, ông John McCain đã một lòng vì nước Mỹ trong hơn ba thập kỷ, ngay cả khi điều đó đặt ông ở thế đối lập với phần còn lại, như khi ông cùng Thượng nghị sỹ bang Wisconsin thuộc đảng Dân Chủ Russ Feingold xây dựng đạo luật về cải tổ và kiểm soát các nguồn tài chính trong vận động tranh cử và vấp phải sự phản đối của cả hai đảng trong Thượng viện.

Hiếm có Nghị sỹ đảng Cộng hòa, ứng cử viên thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống trước đó, lại có thể trò chuyện thân mật với người chiến thắng như cách ông McCain thẳng thắn với ông Obama năm 2008. Người dân Mỹ cũng chẳng thể nào quên khoảnh khắc ông John McCain, ngay trong lúc chiến đấu với căn bệnh ung thư não quái ác, vẫn bỏ phiếu ủng hộ đạo luật Obamacare, thứ mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump mong muốn bác bỏ, tin tưởng về lợi ích y tế mà nó mang lại cho bang Arizona nói riêng và người dân Mỹ nói chung.

Với những đóng góp không biết mệt mỏi như vậy, không phải ngẫu nhiên cựu Tổng thống Barack Obama nhận định rằng người Mỹ “nợ” ông John McCain. Cách duy nhất để “đền đáp” cho người đã khuất là vinh danh họ. Tang lễ của ông McCain dự kiến sẽ được tổ chức tại Điện Capitol, theo nghi lễ dành cho “những công dân xuất chúng nhất” của Mỹ ngày 31/8, trước khi thi hài ông được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại Học viện Hải quân Mỹ ở thành phố Annapolis vào ngày 2/9. Nhằm tưởng nhớ một trong những công dân xuất sắc nhất nước nước Mỹ, Thượng nghị sỹ đảng Dân Chủ bang New York Chuck Schumer, lãnh đạo phe dân chủ tại Thượng viện cũng đã đề xuất giải pháp đổi tên Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Russell sang tên của ông McCain.

Lương duyên còn mãi

Nước Mỹ đã mất đi một người con ưu tú, còn Việt Nam mất đi một người bạn tin cậy. Cái “duyên” của ông John McCain với Việt Nam chẳng hề phai nhạt sau ký ức ám ảnh về máy bay ông lái bị bắn rơi tại Hà Nội. Trở lại Việt Nam cùng cựu chiến binh, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ông McCain trở thành người đi tiên phong trong thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, tiến tới bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Là thành viên của Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ xử lý vấn đề người Mỹ mất tích và tù binh Mỹ ở Việt Nam, cả hai đã làm việc không biết mệt mỏi nhằm giải quyết vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích sau chiến tranh. Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, ông McCain từng nói rằng nếu có lời khuyên với các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, cách tốt nhất để vượt qua quá khứ là quay lại Việt Nam và tham gia vào việc cải thiện quan hệ song phương.

Song ông McCain mong muốn làm được nhiều hơn thế. Với sự giúp đỡ của cố Thượng nghị sỹ bang Arizona, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông McCain cũng có tiếng nói quan trọng, thuyết phục Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam năm 2016. Ông cũng là người đi tiên phong trong kêu gọi gỡ bỏ thuế và rào cản đối với cá da trơn của Việt Nam, trình chiếu nhiều video về sản phẩm này trong phiên điều trần của Thượng viện Mỹ.

Ấn tượng của ông McCain với Việt Nam không chỉ dừng lại ở cuộc chiến năm xưa, mà còn đến từ những chuyến thăm thường xuyên của ông tới mảnh đất hình chữ S. Bom đạn đã lùi xa, nhường chỗ cho một Việt Nam phát triển mạnh mẽ từng ngày, với danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long hay đặc sản bánh chưng làm xiêu lòng bạn bè quốc tế, trong đó có nhiều cựu chiến binh từng tham chiến tại đây như ông McCain. Theo cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, cố Thượng nghị sỹ bang Arizona từng khẳng định rằng chừng nào ông còn tiếp tục ở trong nền chính trị Hoa Kỳ thì ông còn tiếp tục ủng hộ quan hệ Việt – Mỹ.

Trước tấm chân tình ấy, không khó để lý giải tại sao ông John McCain lại là một trong những người Mỹ được yêu quý nhất tại Việt Nam. Sau khi ông mất, những bó cúc vàng trên bức phù điêu kỉ niệm sự kiện máy bay ông bị bắn rơi tại hồ Trúc Bạch là minh chứng rõ nhất cho tình cảm sâu sắc của người dân nơi đây dành cho người bạn đặc biệt trong mối quan hệ đặc biệt Việt – Mỹ. Ông McCain đã ra đi, nhưng mối lương duyên của ông với Việt Nam vẫn còn mãi, trở thành một chương đẹp trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Được tin Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain qua đời ngày 25/8/2018 tại nhà riêng sau một thời gian lâm bệnh nặng, ngày 27/8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có điện chia buồn gửi gia đình Thượng nghị sỹ John McCain và Lãnh đạo Thượng viện Hoa Kỳ.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi Điện chia buồn tới gia đình Thượng nghị sỹ và ký Sổ tang tưởng niệm Thượng nghị sỹ John McCain tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Ghi Sổ tang, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh viết: “… Đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngài Thượng nghị sĩ John McCain luôn là biểu tượng cho thế hệ nghị sĩ - cựu binh chiến tranh Việt Nam, là người đi đầu và có nhiều đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Chúng tôi luôn trân trọng những nỗ lực của ngài Thượng nghị sĩ trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trong những thập kỷ qua”.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/binh-luan-cua-tgvn-nguoi-dac-biet-john-mccain-76893.html