Bình luận của TG&VN: Chuyển dịch trật tự Trung Đông?

Việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran không chỉ tác động đến Tehran, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện Trung Đông – một khu vực luôn trong toan tính chiến lược của các cường quốc.

Ngày 5/11, Mỹ đã thể hiện quyết tâm cô lập Iran trên mọi mặt trận bằng việc khôi phục tất cả lệnh trừng phạt vốn được dỡ bỏ theo một thỏa thuận giữa Tehran và Nhóm P5+1 năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Cụ thể, Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt hơn 700 cá nhân và thực thể có liên quan đến Iran, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng.

Chính sách nguy hiểm

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi đây là đợt trừng phạt mạnh mẽ nhất cho đến nay nhằm vào Iran. Đáp lại, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cho rằng Tổng thống Donald Trump đã “phá hỏng” uy tín của Washington và sớm muộn sẽ thua trong cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa hai nước. Tổng thống Iran Hassan Rouhani thậm chí còn tuyên bố trên truyền hình: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh kinh tế. Chúng ta sẽ đứng lên chống lại một kẻ thù chuyên ức hiếp”.

(Nguồn: Dân Việt)

Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran nhằm buộc Tehran đàm phán lại việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân – tên lửa cũng như làm suy giảm tầm ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông. Theo tính toán của Mỹ, tình hình kinh tế Iran ngày càng xấu đi sẽ nhấn chìm quốc gia này vào sự bất ổn, thậm chí dẫn đến thay đổi chế độ.

Trên tờ Le Monde, ông Quentin Lopinot (Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, Mỹ) nhận định “cú ra đòn” của Washington nhằm đẩy Iran ra khỏi một thỏa thuận không còn mang lại nhiều lợi ích. Sự đổ vỡ đó cũng sẽ khiến các nước đồng minh phải phụ thuộc vào Mỹ trở lại, đồng thời gây nhiều khó khăn cho Tổng thống Rouhani – vốn đang triển khai nhiều chiến lược chính trị - ngoại giao dựa trên thỏa thuận ký kết hồi 2015.

Sâu xa hơn, bước đi đầy tranh cãi này của Washington cho thấy một đặc trưng trong chính sách Trung Đông của chính quyền Trump. Theo đó, Mỹ chủ trương tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống trong khu vực là Saudi Arabia và Israel. Đây là một chiến lược được đưa ra sau vài năm quan hệ Mỹ - Iran tương đối yên bình, phần lớn dựa vào quyết định “mở cửa” cho Iran của cựu Tổng thống Barack Obama. Chính sách này của ông Obama không hẳn là sự nhượng bộ, mà trên hết là nỗ lực xây dựng một trật tự khu vực bằng cách cân bằng quyền lực giữa các lực lượng chính trị tại Trung Đông cũng như tranh thủ tính thực dụng từ phe bảo thủ của Tổng thống Rouhani. Vì vậy, với quyết định trừng phạt Tehran, chính sách “cân bằng” được thực hiện dưới thời Obama dường như đang phải nhường chỗ cho chính sách ủng hộ vô điều kiện của Trump dành cho Tel Aviv và Riyadh, ngay cả khi các nước này có nguy cơ gây bất ổn khu vực.

Mỹ khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt với Iran vốn được dỡ bỏ theo một thỏa thuận năm 2015 . (Nguồn: AFP)

Nguy cơ bùng nổ xung đột

Tuy nhiên, nói như Reuters, bất chấp “trò chơi vương quyền” mà ông Trump đang bày ra để buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán nhằm thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận mới mang dấu ấn của Trump, nhiều lập luận cho rằng chiến lược này của Washington sẽ không thành công.

Trước tiên, Mỹ đang tìm cách cắt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran xuống con số 0, nhưng điều này rõ ràng không thực tế. Không có lựa chọn khả thi nào thay thế cho 2,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Iran, bất chấp việc Saudi Arabia tuyên bố sẽ bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nào. Mặt khác, chuyên gia Hossein Moussavian (Đại học Princeton, Mỹ) nhận định trên PressTV: “Iran đã chịu án phạt hơn 40 năm qua và lần này cũng chẳng có gì mới”. Ông Moussavian cho rằng Iran “sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn” song ảnh hưởng sẽ không lớn, bởi “mục tiêu quan trọng trong chính sách an ninh chính trị của Iran là gánh vác một nền kinh tế không phụ thuộc vào dầu mỏ”.

Thứ hai, cuộc thương chiến Mỹ - Trung và việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga khiến Bắc Kinh và Moscow ít có khả năng hợp tác với Washington trong vấn đề Iran. Thậm chí, Mỹ không thể dựa vào sự hợp tác của Liên minh châu Âu (EU), vốn bắt đầu đàm phán hạt nhân với Iran từ 2003 và coi JCPOA là một trong những thành tựu chính của mình. EU ngày càng nhìn nhận các đòn trừng phạt các quốc gia khác là mối đe dọa đến bản sắc và tính độc lập của khối. Ngoài ra, những “tay chơi” chính ở Trung Đông hiện nay như Thổ Nhĩ Kỳ, Oman và Iraq cũng sẽ tiếp tục ủng hộ JCPOA.

Với những lý do trên, nhiều chuyên gia tin rằng Iran sẽ hóa giải các đòn trừng phạt của Mỹ. Dù vậy, cách tiếp cận đơn phương của ông Trump và tương lai JCPOA nhiều khả năng sẽ làm thay đổi cục diện khu vực với việc gây ra sự rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh, trong khi khiến nhiều quốc gia xích lại gần nhau hơn vì lợi ích chung. Trong 6 thập kỷ qua, Mỹ luôn là cường quốc bá chủ ở Trung Đông. Nhưng trong bối cảnh chính trị hiện nay, với việc tái trừng phạt Iran, trật tự khu vực có thể sẽ chuyển dịch từ một hệ thống do Mỹ dẫn đầu sang một trật tự mới, với các “tay chơi” ở Trung Đông và những cường quốc bên ngoài (như Nga, Trung Quốc) sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Kịch bản này rất đáng lo ngại bởi các xung đột sẽ được dịp “sinh sôi nảy nở” ở khu vực vốn đã quá phức tạp như Trung Đông.

Quang Chinh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/binh-luan-cua-tgvn-chuyen-dich-trat-tu-trung-dong-81159.html