Bình luận của TG&VN: 'Ăn miếng trả miếng' trên Dải Gaza

Những tiếng gầm rú của tên lửa và cơn ai oán của nhiều người bị thương đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trước đó.

Chiến sự một lần nữa bao trùm Dải Gaza, sau chiến dịch đột kích ngày 11/11 của Quân đội Israel tại Khan Younis khiến 8 người chết, trong đó có một quan chức của Israel và một thủ lĩnh cấp cao của Hamas. Lực lượng Hamas đã ngay lập tức đáp trả bằng 460 quả tên lửa và pháo nhắm vào Israel.

Sự phản kháng mạnh mẽ từ nhất từ trước đến nay từ Hamas đã khiến Israel bất ngờ. Hệ thống phòng thủ Iron Dome của nước này đã đánh chặn được hơn 100 quả tên lửa từ Gaza, song số còn lại vẫn khiến 27 người bị thương.

Cùng lúc đó, Tel Aviv cũng đã triển khai các máy bay chiến đấu, trực thăng và xe tăng tấn công hơn 70 địa điểm do lực lượng vũ trang Hamas và lực lượng Hồi giáo thánh chiến kiểm soát, khiến 3 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Người dân Israel đứng cạnh ngôi nhà bị pháo kích từ dải Gaza tại thành phố Ashkelon ở Israel. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cả hai bên cũng nhận thức được sự nguy hiểm một khi căng thẳng tiếp tục leo thang và đã có động thái xuống nước. Cụ thể, với sự trung gian hòa giải từ phía Ai Cập, chính quyền Israel và các lực lượng Palestine tại Gaza đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn tạm thời được thiết lập tối ngày 13/11.

Hamas khẳng định rằng thỏa thuận sẽ được duy trì nếu như “kẻ thù Do Thái” hành động tương tự. Phía Israel không công bố lập trường chính thức, song khẳng định quân đội sẽ tiếp tục những chiến dịch cần thiết. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết trong cuộc họp dài 6 tiếng, Thủ tướng Benjamin Netayanhu và các quan chức an ninh đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Song khó có thể kỳ vọng rằng nền hòa bình mong manh này sẽ kéo dài.

Việc phía Israel miễn cưỡng chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn thể hiện vị thế khó khăn của đảng cầm quyền khi phải cân bằng giữa tìm kiếm hòa bình lâu dài với Hamas và duy trì sự ủng hộ từ phe chống Palestine.

Ông Netanyahu đã chịu nhiều sự chỉ trích từ phe cánh tả trong liên minh cầm quyền vì đã khoan nhượng với kẻ thù, trong khi chỉ còn một tháng nữa là bước sang năm bầu cử 2019. Hamas cũng chẳng khá hơn khi dần bị cô lập bởi các nhóm vũ trang khác vì cố gắng thỏa thuận với người Do Thái. Do đó, nhà phân tích Ofer Zalzerg của International Crisis Group cho rằng một khi các lực lượng đối lập tại hai phe chiếm ưu thế, hòa bình sẽ một lần nữa bị đe dọa.

Trước tình cảnh ngặt nghèo đó, điều mà cả Hamas và đảng cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cần làm là duy trì ổn định nội bộ trước khi có những bước đi táo bạo hơn thời gian tới.

Trong quá khứ, đã có lúc hai bên tiến tới rất gần một hiệp định hòa bình, được cho là sẽ bao gồm nhiều hỗ trợ của Israel nhằm tái thiết Palestine như hỗ trợ kinh tế cho dải Gaza thông qua tiền mặt và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đổi lại, Hamas cần kiểm soát tình hình bạo loạn dọc biên giới và ngưng phóng tên lửa, đạn pháo sang phía Israel.

Dù đã bị quên lãng sau khi hai bên tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực, song dự thảo hòa bình này có thể làm tiền đề để các bên cùng nhau hướng tới xây dựng một dải Gaza vắng tiếng súng, tiếng bom, vì lợi ích cho tất cả mọi người.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/binh-luan-cua-tgvn-an-mieng-tra-mieng-tren-dai-gaza-81638.html