Bình luận: Chạm ngưỡng và vượt ngưỡng

Chu kỳ thành công rạng rỡ của bóng đá Việt Nam cùng huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đã kết thúc đồng thời với sự chạm ngưỡng phát triển của một thế hệ tuyển thủ đã lên đến đỉnh cao về tài năng và lối chơi. Phía trước là thách thức vượt ngưỡng-thứ thách thức vượt khó khăn nhất trong mọi thách thức.

Chạm ngưỡng là hiện tượng phổ biến trong mọi nền bóng đá, mọi thế hệ cầu thủ, mọi đội hình và thay đổi làm mới để vượt ngưỡng là nhu cầu tất yếu. Với các nền bóng đá hùng hậu, các câu lạc bộ (CLB) giàu có, việc làm mới luôn gặp khó khăn đến mức nhiều thời đoạn dài không thể duy trì được tầm mức đỉnh cao, thậm chí sa sút, trì trệ và tụt hậu, huống chi nguồn lực hạn chế. Liên tục 5 năm dài dưới bàn tay thầy Park, các đội tuyển của chúng ta luôn đứng vững ở vị trí hàng đầu khu vực, lại tạo lập được những kỳ tích chưa từng có trên các đấu trường châu lục. Thành quả ấy vượt trên sự hy vọng của những người làm bóng đá và công chúng Việt Nam. Ngay chính thầy Park ban đầu cũng nghĩ rằng ông sẽ chỉ gắn bó với bóng đá Việt Nam hai, ba năm. Và hiểu người, hiểu nghề, thầy Park đã chủ động: “Tôi dừng lại để bóng đá Việt Nam thay đổi”.

HLV Park Hang-seo chia tay bóng đá Việt Nam sau 5 năm gắn bó. Ảnh: Chinhphu.vn

HLV Park Hang-seo chia tay bóng đá Việt Nam sau 5 năm gắn bó. Ảnh: Chinhphu.vn

Thực tế chúng ta đã nhìn thấy, ngưỡng của đội tuyển quốc gia trong quá trình tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á trước các đội tuyển hàng đầu châu lục, vượt trội chúng ta về đẳng cấp. Không chỉ vậy, sự hạn chế của đội tuyển còn bộc lộ rõ trong nhiều trận đấu đối thủ dưới cơ nhưng tổ chức hàng phòng ngự dày, hợp lý. Gần nhất, hai lần thua Thái Lan tại hai kỳ AFF Cup càng cho thấy những điểm yếu về trình độ, lối chơi và phần nào đó là cả về tâm lý. Bởi vậy, để vượt ngưỡng đòi hỏi một quá trình đổi mới toàn diện, đồng bộ của nền bóng đá. Bước đầu, những chuyển động trong nhận thức và hành động của những người làm bóng đá nước nhà cho thấy công cuộc kiến tạo mới đã rõ cách đi từng bước, hướng tới nâng cấp chất lượng các CLB, các giải đấu, các trung tâm đào tạo theo hướng chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.

Với riêng các đội tuyển, di sản lớn của thầy Park sẽ là nền tảng hay là cái ngưỡng khó vượt? Có cả hai. Chuyện so sánh về thành tích rất tự nhiên sẽ diễn ra. Tâm lý thầy-trò, tình cảm gia đình kiểu Á Đông như một chất keo gắn kết sẽ còn hay không song hành cùng tính kỷ luật? Nặng hơn là lối chơi, là ngưỡng phát triển tài năng của số đông tuyển thủ đã ở độ chín?... Nhiều ý kiến đề cập đến sự bảo thủ của thầy Park về cách dụng quân một đội hình, một lối chơi mà không đánh giá đúng mức về sự lựa chọn nhân sự vừa phù hợp vừa đang có phong độ tốt hàng đầu ở V-League. Thêm nữa, chính thầy Park từng tập trung số lượng dự tuyển qua các đợt nhiều nhất có thể. Thầy cũng đã thực hiện “xen canh gối vụ” với nhiều tài năng trẻ. Đặc biệt, các lứa U.23 đều đã đạt kết quả cao. Đó chính là một vốn quý mà "di sản" Park Hang-seo để lại cho người kế nhiệm.

Sau tất cả thành công và chưa thành công có thể thấy, móng nền hiện tại của các đội tuyển đã vững chắc về nhiều mặt. “Thay tướng đổi vận”-vận hội mới của các đội tuyển có sáng hơn hay không chưa thể quả đoán nhưng đổi thay là tất yếu. Thầy mới sẽ có triết lý mới, lối chơi mới, tiêu chí tuyển chọn mới. “Phù thủy trắng” Philippe Troussier (người được cho là kế nhiệm Park Hang-seo) sẽ làm mới trên nền các lứa cầu thủ cũ và mới? Có cơ sở để tin rằng, nhiều tuyển thủ vẫn đang thì, có khả năng thích ứng với lối đá giàu sức tấn công hơn. Hơn nữa, dòng máu mới từ các lứa trẻ từng qua tay HLV danh tiếng Philippe Troussier đã đến lúc có thể kề vai các đàn anh.

Một chu kỳ mới sẽ mở ra. Lần lượt U.20 rồi U.23 sẽ vào trận, tiếp đến là thách thức và kiểm nghiệm đội tuyển quốc gia mới tại đấu trường Asian Cup 2023.

THƯỜNG NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-cham-nguong-va-vuot-nguong-717465