Binh lính ở Yemen nhẫn tâm đánh cắp hàng cứu trợ của dân nghèo

Các lô hàng viện trợ gồm gạo, ngũ cốc và thực phẩm dành cho dân nghèo ở Taiz, Yemen, đã bị đánh cắp bởi binh lính ở cả hai phía trong cuộc xung đột ở quốc gia này.

"Quân đội, lực lượng lẽ ra nên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lại đang cướp bóc hàng viện trợ", Nabil al-Hakimi, một nhân viên của chương trình nhân đạo nói với hãng tin AP.

Khoảng 14 triệu người Yemen hay một nửa dân số Yemen đang sống trên bờ vực đói khát do sự hỗn loạn trên toàn đất nước kể từ khi Saudi Arabia và liên minh các quốc gia Ả Rập khởi xướng một chiến dịch chống lại người Hồi giáo Houthi vào năm 2015 theo lệnh của Thái tử Saudi Mohammed bin Salman.

Liên Hợp Quốc ước tính 14 triệu người này đang sống trong "điều kiện trước nạn đói", Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock cho biết.

Theo những đánh giá của hãng tin AP về các tài liệu công khai và bí mật, cũng như các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân viên nhân đạo ở đất nước này, viện trợ quốc tế gửi đến Yemen thường không đến được với người nhận. Thay vào đó, các nhóm vũ trang được Riyadh trả tiền đã bắt giữ các lô hàng.

Đối với binh lính trên mặt đất, thực phẩm viện trợ quốc tế giống như dấu hiệu của đồng đô la. Các nhóm vũ trang giữ lại thực phẩm từ các nhóm dân thường để nuôi sống bản thân và bán ra thị trường chợ đen.

Tại Taiz, thành phố lớn thứ ba ở Yemen và dưới sự kiểm soát của các lực lượng được Saudi hậu thuẫn, phần lớn thực phẩm chỉ đơn giản là bị đánh cắp và người nghèo không thể có được. Khoảng 5.000 bao gạo cho Taiz bị mất tích trong nửa đầu năm không một dấu vết; 705 giỏ thức ăn tại một kho phúc lợi đã bị ăn cắp; 110 bao tải hạt biến mất khỏi xe tải nhân đạo chuẩn bị cung cấp cho các khu vực miền núi.

Vấn đề là phổ biến giữa các khu vực được kiểm soát bởi các binh lính liên kết với Saudi và cả phía lực lượng Houthi, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, nơi có 5.000 địa điểm phân phối thực phẩm ở Yemen có những thiếu sót quan liêu nghiêm trọng. Liên Hợp Quốc cho biết họ chỉ có thể theo dõi 1/5 chuyến giao hàng cứu trợ; 80% còn lại không được theo dõi, theo điều tra của AP.

Báo cáo ước tính ít nhất 4 tỷ đô la Mỹ viện trợ đã được Saudi Arabia, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc và các nước khác đưa vào Yemen, và đủ lương thực đến Yemen để người dân không bị đói. Tuy nhiên, do sự khai thác lớn đối với số viện trợ này của các bên trong nước, khoảng 10,8 triệu dân trong số 29 triệu dân Yemen vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp cần được đảm bảo đủ dinh dưỡng để sống sót.

Nói với AP về việc thiếu thực phẩm ở Yemen, Geert Cappelaere, Giám đốc Trung Đông của Quỹ khẩn cấp trẻ em quốc tế của Liên Hợp Quốc, nói: "Tình trạng này không liên quan gì đến tự nhiên. Tất cả là do con người tạo ra với sự lãnh đạo chính trị kém cỏi, không đặt lợi ích của người dân vào cốt lõi của hành động của mình".

Ngọc Hương (Theo Sputnik)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/binh-linh-o-yemen-nhan-tam-danh-cap-hang-cuu-tro-cua-dan-ngheo/795126.antd