Bình Liêu vào Xuân…

Chúng tôi về Bình Liêu (Quảng Ninh) vào một ngày cuối năm khi hoa sở đã phủ trắng tinh những bản làng và hương của những cánh rừng hồi, rừng quế thơm nồng quện quanh khắp lưng núi, sườn nương. Với đồng bào nơi đây, Tết về thật bình dị…

Con đường từ bản Đồng Thắng đi bản Sông Moóc A, Sông Moóc B (xã Đồng Văn) dài 2,4km được người dân tự nguyện hiến đất làm đường. Ảnh: Trọng Tài

Con đường từ bản Đồng Thắng đi bản Sông Moóc A, Sông Moóc B (xã Đồng Văn) dài 2,4km được người dân tự nguyện hiến đất làm đường. Ảnh: Trọng Tài

Cuộc sống sang trang mới…

Đã nhiều cái Tết trôi qua, huyện miền núi biên giới Bình Liêu vẫn được xem là vùng “lõi nghèo” của tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 97% dân số. Năm nay, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, diện mạo các bản, làng vùng sâu, vùng xa của huyện đã dần có sự thay đổi. Năm nay, Tết của bà con dân tộc ở vùng cao Bình Liêu dường như vui hơn, đủ đầy, ấm no hơn, đặc biệt là với 452 hộ vừa mới thoát nghèo.

Con đường lên bản Khe Tiền, xã Đồng Văn giờ đây đã được bê tông hóa, không còn cảnh bà con phải dậy từ tinh mơ, lội suối, băng qua những con đường mòn hay leo ngang vách núi mới gặp được nhau. Những ngôi nhà sàn, nhà tranh cũ, xiêu vẹo giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà cấp bốn, ngói đỏ khang trang nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng hồi.

Trong trí nhớ của cán bộ xã Tằng Văn Dào, những năm trước, bản Khe Tiền nghèo lắm, người dân không có đủ cái ăn, cái mặc. Vài năm trở lại đây, huyện và xã có cơ chế khuyến khích phát triển những cây đặc sản truyền thống, nhất là cây hồi, cây sở... theo hướng sản xuất hàng hóa nên đời sống của bà con nơi đây đã dần no đủ hơn…

Trong ngôi nhà văn hóa khang trang còn vương mùi gạch mới, Trưởng bản Khe Tiền Dường Phúc Thím hồ hởi khoe: “Trước đây, cả bản có 65 hộ thì 100% là hộ nghèo. Gần đây, nhờ Đảng, Chính phủ hỗ trợ sản xuất, nhờ cán bộ hướng dẫn làm kinh tế nên bản chỉ còn 1 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo thôi. Con đường mòn trong bản giờ đã được đổ bê tông, trẻ con đến lớp không còn lo bẩn quần, lấm áo mỗi khi trời mưa. Tết này, bà con trong bản muốn đi chơi cũng không phải mỏi chân men theo những lối mòn nữa…”.

Cũng giống như bản Khe Tiền, Trưởng bản Khe O (xã Lục Hồn) Choỏng Quay Sinh đầy hào hứng khoe với chúng tôi, đến nay, bà con trong bản đã được tiếp cận với thông tin, văn hóa hiện đại, được khám chữa bệnh, con em được đến trường. Dân bản đã dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, tập trung làm ăn kinh tế và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tết này, gia đình anh Hoàng Minh Tuyển (dân tộc Tày), bản Sông Moóc B, xã Đồng Văn tất bật hơn. Khoe với chúng tôi trang trại với hơn 1.000 con gà thịt đang chờ thương lái đến thu mua phục vụ Tết, anh Tuyển vui vẻ nói: “Trước đây, mình đi làm ăn xa, vất vả nhưng không dành dụm được bao nhiêu nên quay về quê với ý định phát triển chăn nuôi trang trại kết hợp với du lịch cộng đồng. Tuy là năm đầu tiên, nhưng được Nhà nước hỗ trợ 50% con giống nên mình đã mạnh dạn đầu tư trang trại quy mô. Năm nay, gà được giá, mình thu lãi hơn 150 triệu đồng, nhờ vậy, gia đình đã có một cái Tết ấm no hơn...”.

Nhờ đàn gà 1.000 con, Tết này gia đình anh Tuyển ấm no, đủ đầy hơn. Ảnh: Trọng Tài

Trong ngôi nhà mới xây, bà Chíu Tài Múi, thôn Nà Sa, xã Hoành Mô, đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Gia đình bà đã thoát nghèo được 1 năm nay. Bà Múi bảo, mấy năm vừa rồi bán được ít keo, hai vợ chồng tôi vay mượn thêm xây ngôi nhà che nắng che mưa thay ngôi nhà lá trước đây. Nay có căn nhà mới ấm cúng, Tết đã có tiền mua thêm cân thịt, cái giò. Tôi vui lắm!

Niềm vui nhỏ của gia đình ông Thím, ông Sinh, bà Múi, anh Tuyển… hòa cùng niềm vui lớn của huyện Bình Liêu khi năm nay toàn huyện có tới 452 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện giảm 6,16%. Người dân vui một, cán bộ vui mười. Những năm trước, việc lo Tết cho người nghèo cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với các xã đặc biệt khó khăn. Năm nay, nhiều hộ đã thoát nghèo, không còn phải trông chờ vào quà, vào gạo hỗ trợ ăn Tết của chính quyền nữa. Cuộc sống đã bước sang trang mới…

Tết no đủ

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lý Văn Bình xúc động nhớ lại, xã Đồng Văn vốn được xem là vùng “rốn” nghèo của huyện Bình Liêu. Những năm trước, việc đi lại, giao thương của người dân rất khó khăn, nông sản làm ra không thể tiêu thụ, hầu hết là tự cung tự cấp. Các thôn, bản đều không có điện, không nước sinh hoạt hợp vệ sinh, không sóng điện thoại, truyền hình… cả xã như một “vương quốc nhỏ” bị cô lập giữa đại ngàn.

Kể từ khi tỉnh đầu tư Quốc lộ 18C và các tuyến đường liên huyện, liên xã được trải nhựa, bê tông hóa, sự phát triển của Đồng Văn như được “lột xác”. Từ một xã “ba không”, đến nay, địa phương đã được lấp đầy các hạ tầng thiết yếu và quan trọng hơn cả là bà con từ những bản làng xa xôi như Phạt Chỉ, Cẩm Hắc… vẫn có thể đi chợ phiên sắm Tết, giao lưu văn hóa với các dân tộc khác mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nét văn hóa đặc sắc như hát Then, đàn Tính vẫn được đồng bào truyền dạy con cháu trong mâm cơm ngày Tết. Ảnh: TTTT

Trong câu chuyện về xóa đói, giảm nghèo của huyện vùng cao Bình Liêu, Trưởng Phòng Dân tộc Triệu Đình Sinh tâm sự, những năm qua, địa phương luôn xác định mục tiêu giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho người nghèo để họ có thêm điều kiện vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2019 đã có hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện viết đơn xin ra khỏi danh sách nghèo. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước đang dần được xóa bỏ; người dân đã biết tự lực, vận dụng các chính sách hỗ trợ để cải tạo sản xuất, gia tăng thu nhập, nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo đã và đang được nhân rộng.

Với đặc thù là huyện vùng cao khó khăn, nên Tết nào cũng vậy, nữ Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh lại lặn lội tới từng bản làng lo Tết cho bà con. Ngoài tiêu chuẩn quà Tết của Trung ương và của tỉnh, địa phương đều có hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo để bảo đảm một cái Tết no đủ, ấm cúng đến với tất cả người dân. Những hộ gia đình tự nguyện ra khỏi danh sách nghèo năm 2019 cũng nhận được sự quan tâm động viên, thăm hỏi. “Đây sẽ là sự khích lệ cần thiết để họ tiếp tục đi lên trong cuộc sống và cũng là động lực cho những hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên…” - người đứng đầu huyện miền núi Bình Liêu chia sẻ.

Chúng tôi chia tay Bình Liêu trong ngút ngàn màu trắng của hoa sở, âm thanh của tiếng đàn Tính, lời hát Then ngọt ngào. Bên bếp lửa hồng, tiếng cười vui hòa cùng chén rượu nồng và lời chúc một năm mới nhiều may mắn, sung túc khiến lòng người thêm ấm áp…

Trọng Tài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/binh-lieu-vao-xuan_t114c1159n159415