Bình Liêu: Sa Pa của vùng Đông Bắc

Với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, phong cảnh tươi đẹp, cùng sự đa dạng về địa hình, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) là điểm đến thú vị, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Sống lưng khủng long - điểm “check in” lý tưởng khi tới Bình Liêu.

Sống lưng khủng long - điểm “check in” lý tưởng khi tới Bình Liêu.

Mặc dù địa phương có đưa ra nhiều giải pháp, nhưng những hạn chế về cơ sở vật chất, dịch vụ khiến Bình Liêu khó níu chân du khách.

Chốn “thần tiên” thơ mộng

Là một vùng đất biên giới với 96% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bình Liêu phát triển kinh tế gắn với nông, lâm nghiệp, cửa khẩu. Đồng thời, Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi bởi khí hậu trong lành, ôn hòa, với những phong cảnh kỳ vĩ.

Đồi núi quanh co, uốn lượn được bao phủ bởi những cánh rừng hồi, rừng quế, sở thơm ngát. Những khu ruộng bậc thang vàng ruộm, thơm lừng lúa chín. Cao nguyên cỏ trùng điệp tạo nên một bức tranh thơ mộng, bình yên.

Đánh thức tiềm năng, quyết tâm phát triển kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ, huyện Bình Liêu đã có nhiều cách làm mới, hướng đi riêng. Từ năm 2014, tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kích cầu du lịch nội địa, ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác các điểm du lịch, mời gọi nhà đầu tư để cùng xây dựng các sản phẩm, du khách dần biết đến Bình Liêu, nhiều đoàn “phượt”, tour, tuyến tăng lên đáng kể.

Ông Hoàng Ngọc Ngò - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu thông tin: Để tiếp tục xây dựng Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch (sinh thái, văn hóa cộng đồng và nghỉ dưỡng), thực hiện được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện, tháng 7/2015, nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết số 01-NQ/HU) về phát triển du lịch Bình Liêu đã chính thức được thông qua, mở ra cơ hội phát triển mới cho địa phương.

5 năm triển khai Nghị quyết 01, nhiều hạng mục xây dựng, hạ tầng đến các dịch vụ, sản phẩm du lịch được đầu tư, khắc phục. Hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thiện như: Tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên cột mốc biên giới phía Tây và cột mốc 1305; đường Lục Ngù - Khe Tiền, đường Nà Ếch - Khe Vằn; đường từ thị trấn Bình Liêu lên Khe Vằn (Húc Động)... đã góp phần kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình khám phá Bình Liêu. Đến nay huyện có trên 300 phòng với gần chục nhà nghỉ dạng homestay.

Nếu năm 2015, huyện chỉ đón trên 33 nghìn lượt khách; thì đến năm 2018, tổng số khách du lịch đến địa bàn đạt trên 72 nghìn lượt người, tăng hơn gấp đôi.

Năm 2019, lượng khách du lịch ước đạt khoảng 84 nghìn lượt người, tăng 18% so với năm 2018. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 17 nghìn lượt người, doanh thu các hoạt động liên quan du lịch ước đạt trên 26 tỷ đồng, tăng 27%.

Còn nhiều khó khăn

Bình Liêu có các điểm du lịch nổi tiếng như: Thác Khe Vằn, bãi đá thần đỉnh núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm sừng sững, “sống lưng khủng long” tại cột mốc biên giới 1305. Đến với Bình Liêu, khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa đa sắc màu với nhiều phong tục tập quán đặc sắc của dân tộc người Dao, Tày, Sán Chỉ. Đã có người ví Bình Liêu như Sa Pa của vùng Đông Bắc Việt Nam.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Nếu như năm 2019 Bình Liêu đón 84 nghìn lượt du khách thì đến tháng 10/2020, theo thông tin từ UBND huyện, Bình Liêu mới đón khoảng 16 nghìn lượt khách.

Thực hiện các giải pháp chung của toàn tỉnh Quảng Ninh nhằm kích cầu, triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thúc đẩy du lịch đi đôi với phòng chống dịch; đẩy mạnh các hoạt động du lịch hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh đón 3 triệu lượt khách trong quý IV năm 2020, huyện Bình Liêu đã lên kế hoạch tổ chức chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu gắn với Hội mùa vàng Bình Liêu năm 2020.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn nhằm phát triển du lịch Bình Liêu, từng bước tạo dấu ấn về một mùa vàng ấm no trên miền đất biên cương giàu bản sắc với các giá trị khác biệt. Tại sự kiện này sẽ công bố các quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh về công nhận Khu du lịch Bình Liêu là khu du lịch cấp tỉnh; công nhận ruộng bậc thang Bình Liêu là di tích danh thắng cấp tỉnh.

Theo ông Hoàng Ngọc Ngò, hoạt động khai thác du lịch của người dân địa phương đã dần có hiệu quả, khách du lịch biết đến Bình Liêu nhiều hơn, cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi mạnh từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ.

Từ thế mạnh vốn có, để kịch cầu du lịch và quảng bá hình ảnh Bình Liêu đến với du khách trong và ngoài nước, Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, một số giá trị văn hóa các dân tộc được khôi phục; nhiều hoạt động du lịch gắn với cuộc sống thường ngày của bà con.

Ngoài Lễ hội Mùa vàng, Hội hoa Sở, Bình Liêu còn tổ chức Lễ Cơm mới, du khách sẽ được thăm quan, trải nghiệm và thưởng thức cơm mới ngay tại gia đình người dân.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hạ tầng giao thông tại Bình Liêu đã được đầu tư nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân và khách thăm quan, nhiều đoạn đường khúc cua không có biển báo, chỉ dẫn đường.

Đặc biệt, với tiềm năng du lịch vốn có, lượng khách thăm quan đông, Bình Liêu không có đủ cơ sở lưu trú để đón khách; các sản phẩm du lịch để khách làm quà biếu như dầu sở, miến dong hiện vẫn còn khan hiếm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Hoàng Ngọc Ngò cho biết thêm, với 300 phòng lưu trú, đến mùa du lịch là chật cứng, khách đến với Bình Liêu sẽ không có chỗ nghỉ. Huyện đã có nhiều giải pháp kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển du lịch tại địa phương và sắp tới hứa hẹn sẽ có một vài nhà đầu tư lớn đến với Bình Liêu.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/binh-lieu-sa-pa-cua-vung-dong-bac-YTYjbQxGg.html