Bình Liêu, nơi ấy núi rừng Đông Bắc

Tôi trở lại Bình Liêu sau đúng ba mươi lăm năm rời xa mảnh đất biên cương phía đông bắc của Tổ quốc. Lần trở lại này mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Xe vừa qua khỏi thị trấn Tiên Yên để theo quốc lộ 18C dẫn lên cửa khẩu Hoành Mô, trong lòng tôi đã râm ran ký ức.

Từ ký ức hào hùng

Đường 18C vốn là một con đường độc đạo, nó bắt đầu từ nơi giao nhau giữa quốc lộ 4 và quốc lộ 18. Một con đường nhỏ chưa có tên, rải đá cấp phối, vòng vèo quanh các triền núi, dốc lên dốc xuống.

Tôi nhớ lần đầu tiên đi trên con đường ấy, đó là đầu tháng 6-1976, đơn vị chúng tôi được lệnh rời căn cứ Đồi Ngô (huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang) để “ra biên giới”. Ngồi lắc lư trên thùng chiếc xe tải chở quân, tôi căng cứng mọi cơ bắp. Khi xe lên dốc Bò Đái, tôi nhắm tịt mắt và cứ tưởng như mình sắp không sống được nữa bởi những đoạn, những chỗ bùn quánh và cũng bởi chiếc xe lúc thì loạng choạng rê bánh và khi thì tụt dốc. Vất vả và nhẫn nại, cuối cùng chiếc xe cũng qua được con dốc có cái tên quái dị ấy. Sau này tôi mới được giải thích rằng: Gọi là dốc Bò Đái vì trâu bò mỗi khi leo lên dốc đều phải gắng sức đến nỗi vãi cả nước đái. Kể thì cách giải thích ấy cũng nghe được cho dù nó hơi buồn cười.

Đỉnh Cao Xiêm - nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh.

Đỉnh Cao Xiêm - nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh.

Giờ thì con đường độc đáo ấy được mang tên là quốc lộ 18C. Đường chạy song song với sông Tiên Yên, đã được hạ dốc, nắn cua, mở rộng gấp 3 gấp 4 lần và được trải bê tông asphalt xe chạy êm ru. Thêm nữa, đường 18C không chỉ dẫn đến cửa khẩu Hoành Mô mà còn kéo dài tới tận khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái nhờ việc nhập làn với con đường tuần tra chạy dọc tuyến biên giới, tạo nên tour du lịch lên rừng xuống biển rất thuận lợi.

Tôi đứng quay lưng lại cửa khẩu Hoành Mô nhìn đăm đắm lên những đỉnh núi cây xanh phủ kín. Thấy động tác ấy có vẻ hơi lạ nên một thượng úy biên phòng có tên là Mạnh Thắng liền lại gần. Người sĩ quan trẻ hỏi nhỏ “Bác tìm gì à?”. Tôi không quay lại mà nói ngay “Kia có phải là đỉnh 781 không? Kia có phải là đồi 600 không? Và kia có phải là bình độ 366 không?”. Người sĩ quan biên phòng trả lời “Cháu không rõ lắm về tên gọi theo con số nhưng sao hả bác?”.

Tôi bấy giờ mới quay lại bắt tay người sĩ quan trẻ và nói “Đầu những năm 80, đơn vị bác chốt trên đó”. Người sĩ quan hơi ngạc nhiên: “Bác đã chốt ở đó. Chúng cháu giờ chỉ được nghe lại qua những câu chuyện kể của các bác cựu chiến binh. Các bác cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa cũng đều có cảm xúc giống như bác bây giờ”. “Nghĩa là...?”, tôi hỏi lại. “Dạ. Nghĩa là đều xúc động ạ”.

Không xúc động làm sao được. Những đỉnh núi, những cánh rừng, những con suối biên cương đã vang lên khúc ca hùng tráng của những tháng ngày thấm đẫm tinh thần “Bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc”.

Một góc thị trấn Bình Liêu hôm nay.

Đến ngỡ ngàng gặp lại

Những giây phút đầu tiên ở thị trấn Bình Liêu đã đem lại cho tôi nhiều ngỡ ngàng. Tôi loay hoay để cố thu vào ống kính máy ảnh đỉnh cao Xiêm. Dưới nắng đang ngả về chiều, đỉnh núi cao 1.429 mét, được ví là nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh hiện lên uy nghi. Bầu trời hôm nay xanh ngắt. Vẻ xanh ngắt ấy tôi có cảm tưởng như lần đầu tiên được thấy vậy. Đỉnh cao Xiêm hiện lên sừng sững như muốn chở che cho thị trấn Bình Liêu.

Thị trấn Bình Liêu hiện nay không đơn điệu với chừng khu chợ huyện và hơn chục mái nhà lợp ngói âm dương ám xì khói bếp nữa. Một thị trấn mới to và rộng với hai mươi khu phố đều bắt đầu từ chữ “Bình” như khu phố Bình An, Bình Công, Bình Dân v..v... Đường phố chính của thị trấn rộng thênh thang, hai bên là những tòa nhà cơ quan huyện và những khách sạn sang trọng không kém một khu du lịch nào đó. Thị trấn được mở rộng nhờ vào quy hoạch khá hiện đại, khu dân cư đã xuất hiện nhiều hơn những ngôi nhà cao tầng. Một thị trấn biên cương đang chuyển mình và đang níu gọi du khách.

Người Bình Liêu đầu tiên mà chúng tôi được tiếp xúc là Chu Xuân Cường. Cậu thanh niên người dân tộc Tày này khá hoạt bát. Cậu, theo hẹn trước, đã đứng đợi chúng tôi ở sảnh ngoài khách sạn Bình Sơn. Chu Xuân Cường chào từng người và cậu nói nhanh lịch trình cho chuyến đi này. Tôi hỏi “Nhà Cường ở đâu nhỉ? Chu Xuân Cường trả lời “Cháu ở Tình Húc ạ”. Tôi vội hỏi “Thế cháu con nhà ai?”. Chu Xuân Cường chưa kịp trả lời tôi đã vội nói “Thực ra, hồi bác rời Bình Liêu thì bố mẹ cháu đang còn ở tuổi thiếu niên. Cháu trả lời là con ai thì bác cũng chịu. Hồi trước bác cũng đã đóng quân ở xã Tình Húc đấy”.

Hỏi thêm mới biết Chu Xuân Cường không phải là hướng dẫn viên du lịch. Theo như cách nói của cậu thanh niên 23 tuổi thì cậu “làm du lịch” xuất phát từ “Thấy quê hương mình đẹp quá mà ít người biết nên mới tự nguyện hướng dẫn cho du khách”. Một suy nghĩ nhiều gợi ý cho người dân mảnh đất xa xôi còn chưa khai thác hết này.

Bình Liêu tuy là một huyện biên giới có tổng diện tích tự nhiên 47.510ha, với 96% là người dân tộc thiểu số (người Tày chiếm đa số, tiếp đó là người Dao, Sán Chỉ, Hoa và Kinh) nhưng bù lại, huyện có điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, trong lành, địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp từng được xem như một “Sapa ở vùng Đông Bắc”. Văn hóa dân tộc vẫn được bảo tồn và phát huy như: Nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, lễ hội Đình Lục Nà... là nguồn tài nguyên phong phú, thuận lợi để huyện Bình Liêu phát triển du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng gắn với các trung tâm du lịch lớn có nhiều địa điểm dành cho du khách.

Bà con dân tộc thiểu số ở Bình Liêu.

Theo như Chu Xuân Cường cho biết thì cậu học trung cấp y tế nghĩa là sẽ làm “chân” nào đó nếu không ở bệnh viện huyện thì cũng ở tạm ý tế xã. Nhưng Cường nghĩ khác, là người địa phương lại yêu quê hương đến mê mải nên Cường cùng bạn bè hay đi nhiều thôn bản, hay đến nhiều nơi trong huyện. Nhờ vào những chuyến đi đó mà Cường đã tích lũy cho mình được một vốn kha khá giúp cậu có thể hoàn toàn giới thiệu được cho du khách.

Chu Xuân Cường dẫn chúng tôi tới thăm thác Khe Vằn. Chiều đang chuyển nắng. Đường vào thác Khe Vằn hay đầy đủ hơn là đường vào xã Húc Động đã được trải nhựa. Con đường đó năm xưa tôi đã từng nhiều lần qua lại. Một con đường đất đỏ vòng vèo nhưng từng hút tâm trí tôi bởi những hàng cây sở, cây trẩu nở hoa trắng muốt. Được biết, huyện Bình Liêu đã tiến hành Lễ hội hoa sở đã mấy năm nay và đang kỳ vọng để hoa sở trở thành loại hoa đặc trưng của huyện. Và hoa sở cùng với dầu sở cũng là nguồn thu đáng kể cho kinh tế địa phương cùng với hoa hồi và quế.

Thác Khe Vằn dịp này chưa nhiều nước, năm nay mưa ít nên dòng thác còn nhẹ nhàng nhưng cũng đủ cho du khách phải thích thú. Dòng nước mát và trong đến tinh khôi tưởng như có thể vốc lên tay mà uống vậy. Chúng tôi đã có một tối ở thác Khe Vằn rôm rả và sực nức mùi thịt nướng do tay bếp có tên là A Chóng thực hiện. Cậu thanh niên người Tày này tỏ ra khá chuyên nghiệp khi đã đầu tư vài ba bếp nướng di động. A Chóng vừa nhanh tay đảo các xiên thịt vừa nói to “Thịt nướng này mà cuốn trong lá bắp cải đồi thì ngon lắm các cô, các chú ạ”. Rồi A Chóng bổ sung thêm “Bắp cải đồi được bà con trồng được tưới nhờ nước mưa và sương đêm nên sạch lắm. Các cô các chú chỉ cần rửa qua nước thác Khe Văn là ăn vô tư”.

Những cảnh đẹp ở Bình Liêu.

Và gợi ý những địa điểm du lịch hấp dẫn

Trên địa bàn huyện Bình Liêu có nhiều địa điểm du lịch khá hấp dẫn. Địa điểm tự nhiên như thác Khe Vằn có, như đỉnh Cao Xiêm có, như đỉnh Cao Ba Lanh có. Địa điểm được tạo mới trong quá trình xây dựng cũng có. Theo như Chu Xuân Cường cho biết thì “phượt cột mốc” và chinh phục “sống lưng khủng long” hiện rất được giới trẻ lựa chọn.

Còn nhớ, tháng 2-1979 khi chúng tôi lên giữ chốt ở điểm cao Cao Ba Lanh, dạo đó đường lên Cao Ba Lanh ngập trong bùn và dầy đặc mưa sương. Giờ đường lên Cao Ba Lanh đã được bê tông hóa toàn bộ. Xe máy chở du khách đã có thể lên tới đỉnh Cao Ba Lanh một cách dễ dàng. Đỉnh Cao Ba Lanh khá rộng bởi nó được hình thành nhờ mấy ngọn núi cao trên một ngàn mét hợp lại. Trên đỉnh có bãi đá cổ, điều đặc biệt là bãi đá cổ Cao Ba Lanh giống như một dàn chiêng, trống chiến trận vậy. Chỉ cần đưa tay vỗ mạnh vào vách đá là vang lên những hồi chiêng hồi trống giục giã. Câu chuyện giữ đất năm xưa của lớp chúng tôi đang hòa nhập vào công cuộc xây dựng đời sống mới hôm nay.

Chúng tôi được tiếp xúc với Lý Thái Giang. Bữa nay Lý Thái Giang đang cùng đồng đội tiến hành tuần tra biên giới thì gặp chúng tôi. Viên đại úy biên phòng thấy đoàn đang dừng lại để làm thủ tục ra vào khu vực biên giới thì bèn tới hỏi thăm. Và cũng thông thạo địa hình như Chu Xuân Cường, Lý Thái Giang gọi điện thoại về đồn xin ý kiến. Đồn đồng ý cho Lý Thái Giang làm “hướng dẫn viên du lịch” cho đoàn chúng tôi.

Lý Thái Giang đưa chúng tôi lên cột mốc 1327. Đứng ở đây có thể bao quát toàn bộ khu vực biên giới. Trời trong và gió mát, thấp thoáng xa xa những “sống lưng khủng long” ẩn mình giữa bạt ngàn hoa lau trắng. Lý Thái Giang cho biết thêm “Nếu có thời gian các chú có thể đến nhiều nơi nữa. Những địa danh du lịch với những cảnh vật tự nhiên bắt mắt nơi biên cương dắt díu du khách như một cách góp phần bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Và đúng như Chu Xuân Cường đã khoe “Mảnh đất Bình Liêu đang mời gọi bằng vẻ đẹp nguyên sơ của mình”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/binh-lieu-noi-ay-nui-rung-dong-bac-615302/