Bình Liêu nỗ lực xóa bỏ hủ tục

Thời gian qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Bình Liêu đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời tích cực vận động nhân dân sinh sống trên địa bàn thay đổi các hủ tục, tập quán lạc hậu. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Tổ công tác số 1 (về tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh) của huyện Bình Liêu hỗ trợ người dân xã Đồng Văn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tổ công tác số 1 (về tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh) của huyện Bình Liêu hỗ trợ người dân xã Đồng Văn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bình Liêu là huyện miền núi biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 96%, trình độ dân trí không đồng đều, lại tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển trên địa bàn.

Trước thực trạng đó, huyện đã gắn việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo hiệu quả đồng bộ và duy trì triệt để các nội dung tập tục đã chuyển biến trong quá trình vận động.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, giảm nghèo, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ tới vùng DTTS được triển khai đồng loạt nhằm giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phấn đấu vươn lên thực hiện giảm nghèo; không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong khu dân cư, tạo sự đồng thuận của nhân dân vào thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhằm xóa bỏ các hủ tục đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức của đồng bào dân tộc Dao, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền người dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”. Bình Liêu đã thành lập Ban vận động tuyên truyền nhân dân xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, qua đó đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân xóa bỏ những thói quen trong nếp ở, sinh hoạt. Cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận với nếp sống mới, xóa dần các tệ nạn và hủ tục.

Cán bộ xã Đồng Tâm tuyên truyền, vận động người dân thôn Ngàn Phe xóa bỏ hủ tục. Ảnh: Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Với nhiều giải pháp thực hiện, thông qua các cuộc vận động, mô hình do tổ chức, đoàn thể phát động, nhân dân trên địa bàn từng bước thay đổi tập quán trong sinh hoạt, đời sống, các hủ tục tập quán lạc hậu đang dần được xóa bỏ như: tảo hôn; kết hôn cận huyết; vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; không làm giấy khai sinh cho con, không đăng ký khi kết hôn; tin vào bùa ngải, thầy cúng, thầy mo khi ốm đau... Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đi vào nền nếp và trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng rãi tại nhiều thôn, bản. Người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở; tích cực dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường...

Song song với việc xóa bỏ các hủ tục, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc tiếp tục duy trì phát huy, như: Hát soóng cọ (dân tộc Sán Chỉ), hát pả dung (dân tộc Dao), hát then (dân tộc Tày)... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc được tổ chức thường xuyên; vai trò của già làng, trưởng bản, người tiêu biểu để tuyên truyền, vận động, giáo dục con em học tập nếp sống văn minh, tiến bộ phát huy hiệu quả. Bình Liêu cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, phát huy người dân mặc trang phục truyền thống trong lao động sản xuất, lễ tết, các sự kiện quan trọng. Việc triển khai mặc trang phục dân tộc nơi trường học, công sở là một cách làm hay, thiết thực trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua đó, ngày càng gắn kết cộng đồng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

Ông Chu Văn Hoàng (thôn Ngàn Chi, xã Vô Ngại), cho biết: “Với sự quan tâm của tỉnh, huyện, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, đồng bào được tiếp cận thông tin, được khám chữa bệnh, con em được đến trường, nhân dân tập trung làm ăn phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên, bà con từng bước học tập theo mô hình văn hóa kiểu mới, các hủ tục cũng theo đó dần được xóa bỏ”.

Với sự vào cuộc tích cực, công tác vận động, tuyên truyền nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện Bình Liêu bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây là cuộc vận động để thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, do vậy cần có thời gian lâu dài, sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và sự kiên trì, bền bỉ, phát huy những nhân tố tích cực.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/binh-lieu-no-luc-xoa-bo-hu-tuc-2483412/