Bình Liêu: Những người khiếm thị vượt lên chính mình

Có gặp gỡ, tiếp xúc với những người phụ nữ khiếm thị, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn trong cuộc sống đời thường của các chị và cảm phục ý chí kiên cường vượt khó vươn lên. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Chị Hoàng Thị Cọ, sinh năm 1988, ở thôn Nà Tào, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) sinh ra trong một gia đình thuần nông. Bố mẹ chị sinh được 4 người con thì duy nhất chị bị mù cả hai mắt do ảnh hưởng chất độc da cam di truyền từ bố.

Cuộc sống không ánh sáng đã cướp đi tuổi thơ của chị, chị sống thu mình trong nhà, không bạn bè. Cuộc sống hẩm hiu tưởng rằng sẽ đeo đuổi chị suốt cuộc đời nhưng Hội Người mù huyện đã góp phần đưa cuộc đời chị bước vào một trang mới tươi sáng hơn.

Niềm vui lớn nhất của chị Cọ là có một cô con gái khỏe mạnh.

Năm 1999, chị Cọ tham gia vào Hội Người mù huyện, được Hội tạo điều kiện cho học chữ, học nghề. Đồng thời, thường xuyên động viên giúp đỡ chị vượt qua khó khăn. Chị đã tự làm những công việc phù hợp với sức khỏe và điều kiện để có thu nhập lo cho bản thân và để nuôi em gái học hành thành đạt, nên người. Đặc biệt, cuộc sống không ánh sáng của chị ấm áp hơn khi năm 2018 chị sinh được một bé gái khỏe mạnh và ngoan ngoãn.

Chị Cọ tâm sự: Tuy không nhìn thấy ánh sáng và thế giới bên ngoài nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì mình có một đứa con để chăm sóc, có công việc để làm và thường xuyên được mọi người quan tâm, giúp đỡ, động viên. Tôi mong rằng, chính quyền và các cấp Hội sẽ tiếp tục quan tâm đến những người có hoàn cảnh như tôi và những hội viên khác để chúng tôi có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Một tấm gương nữa cho nỗ lực vượt qua tật nguyền ở huyện Bình Liêu đó là chị Nguyễn Thị Thảo. Chị Thảo bị mù 2 mắt từ nhỏ. Năm 1997, chị nên duyên vợ chồng với anh Phùng Thế Trọng ở thôn Nà Khau, xã Đồng Tâm.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng anh chị vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người mù huyện. Chị Thảo tích cực tham gia các lớp học chữ, học nghề tẩm quất, bấm huyệt. Năm 2015, chị Thảo dành dụm được ít tiền mở cơ sở tẩm quất, bấm huyệt tại nhà. Đến nay, con trai lớn của chị đang học đại học năm thứ 3, con gái thứ hai học nội trú tỉnh. Với sự nỗ lực cố gắng, nhiều năm liền chị được các cấp Hội nêu gương, khen thưởng.

Nhờ ý chí vươn lên, chị Thảo đã mở được một cơ sở tẩm quất, bấm huyệt nuôi con ăn học.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thảo cho biết: Tôi là một phụ nữ mù ở dưới miền xuôi lên đây xây dựng gia đình. Trong cuộc sống tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, bà con thôn bản và chính quyền, các cấp Hội, tôi đã cố gắng vươn lên. Đến nay, 2 cháu được ăn học nên người, tôi cũng mở được một cơ sở tẩm quất, bấm huyệt nhỏ tại nhà. Mặc dù thu nhập trung bình hàng ngày trên 50.000 đồng nhưng phần nào trang trải thêm cho cuộc sống gia đình.

Được biết, Hội Người mù huyện Bình Liêu hiện có 95 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội, thấu hiểu những khó khăn mà các hội viên phải gánh chịu, Hội đã có nhiều hoạt động để tiếp thêm niềm tin, nghị lực và khẳng định vai trò điểm tựa vững chắc cho các hội viên.

Ông Phùng Thế Trọng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Bình Liêu cho biết: Trong nhiệm kỳ 2012 – 2017, Hội Người mù chúng tôi chủ yếu tập trung, tập hợp hội viên, tổ chức dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm. Hiện nay, chúng tôi đã dạy nghề cho 19 hội viên, trong đó có 17 hội viên đang hành nghề tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, thu nhập trung bình từ ba triệu rưỡi đến bốn triệu/tháng. Năm 2016, chúng tôi phát triển thêm mô hình cạo phoi tre với sự hỗ trợ, tài trợ của Hội Hữu nghị Việt – Pháp TP Hồ Chí Minh với 10 hội viên tham gia. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì 3 mô hình sinh kế chính. Đồng thời, tiếp tục duy trì các mô hình đã có, tiếp tục tạo điều kiện, đồng hành cùng với hội viên để nâng cao hơn nữa thu nhập.

La Lành - Hoàng Gái
(Trung tâm TT&VH Bình Liêu)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201901/binh-lieu-nhung-nguoi-khiem-thi-vuot-len-chinh-minh-2419933/