Bình Liêu: Khởi sắc từ những mô hình canh tác mới

Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân. Đặc biệt, huyện đã tăng cường khuyến khích bà con mạnh dạn áp dụng, chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng giống ổi lai lê Đài Loan của gia đình bà Trần Thị Sủi, thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn.

Mô hình trồng giống ổi lai lê Đài Loan của gia đình bà Trần Thị Sủi, thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn.

Thời gian gần đây, nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế đã được người dân Bình Liêu áp dụng. Điển hình như mô hình trồng ổi lai lê Đài Loan đang được rất nhiều hộ gia đình phát triển.

Bà Trần Thị Sủi, thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn, chia sẻ: Giống ổi lai lê Đài Loan được trồng khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Liêu. Cây có thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, lại cho thu hoạch quanh năm. Với những ưu điểm này, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn cải tạo 1ha diện tích đất trồng lúa, hoa màu để trồng ổi. Giờ đây, với gần 700 cây ổi đang trồng, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước nhiều.

Hay như một số mô hình canh tác mới được áp dụng bổ trợ cho ngành du lịch địa phương. Cụ thể, Hợp tác xã Hoa Bình Liêu (thôn Cao Sơn, xã Đồng Văn) là hợp tác xã đi đầu trong việc áp dụng mô hình trồng hoa với quy mô lớn để cung ứng cho thị trường, cũng như tạo điểm tham quan du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện. Hiện nay, mô hình trồng hoa này đang được áp dụng trên diện tích 18.000m2, với hàng ngàn gốc hoa các loại, hàng ngày thu hút hàng trăm lượt khách tới tham quan. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người dân trên địa bàn, giúp bà con nâng cao thu nhập.

Người dân chăm sóc hoa tại Hợp tác xã Hoa Bình Liêu, thôn Cao Sơn, xã Đồng Văn. (tháng 12/2019)

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Liêu đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, đồng thời, huyện đã gắn kết chặt chẽ tái cơ cấu nông nghiệp với nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo bà Lê Thu Hương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu: Để khuyến khích người dân áp dụng các mô hình canh tác mới, hiệu quả, huyện đã chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tìm hiểu, triển khai thí điểm áp dụng các giống cây trồng mới phù hợp trên địa bàn. Trong đó, các mô hình triển khai được chú trọng đưa đến các xã vùng sâu, vùng xa để cho bà con tiếp cận với những giống mới, năng suất hơn, từng bước xóa bỏ những tập tục canh tác lạc hậu và loại bỏ giống cây không mang lại năng suất cao.

Cùng với đó, Bình Liêu cũng tập trung thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. Mặt khác, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống, biện pháp canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến.

Đến nay, một số cây trồng có lợi thế, tiềm năng để ưu tiên chuyển đổi đang được áp dụng như: Cây dong riềng, cây sở, dược liệu, hoa màu, na, giống lúa bao thai... Qua đó, tạo ra sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị và năng suất canh tác từng bước cải thiện thu nhập cho người dân. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện Bình Liêu ước đạt 374 tỷ đồng, đạt 100,43% kế hoạch, tăng 7,1% so với năm 2018. Đây cũng sẽ là cơ sở để Bình Liêu về đích đúng hẹn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/binh-lieu-khoi-sac-tu-nhung-mo-hinh-canh-tac-moi-2463904/