Bình Liêu: Ghi ấn tượng từ ngành 'công nghiệp không khói'

Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khai thác tiềm năng du lịch. Qua đó, từng bước xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc 1297 (Bình Liêu).

Nếu như trước đây Bình Liêu chỉ được nhắc đến là một huyện miền núi biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số và có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh thì nay đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch, năm sau tăng cao hơn so với năm trước.

Theo thống kê của huyện Bình Liêu, năm 2018 tổng lượng khách du lịch ước đạt khoảng 72.000 lượt người, vượt kế hoạch năm là 5,7%, tăng trưởng 14% so với năm 2016. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 15.000 lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng hơn 16 tỷ đồng.

Kết quả tích cực đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn huyện Bình Liêu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, nhấn mạnh: Xác định rõ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, huyện Bình Liêu đã chủ trương, định hướng phát triển du lịch trên địa bàn và coi đây là khâu đột phá trong phát triển KT-XH của huyện. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, Bình Liêu sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái; du lịch văn hóa cộng đồng và nghỉ dưỡng... với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng biên giới của Việt Nam...

Ông Phan Ngọc Sinh, bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô tìm hiểu, lưu giữ các tư liệu về truyền thống văn hóa người dân tộc Tày trên địa bàn huyện Bình Liêu.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, tập trung chỉ đạo thực hiện giải pháp thu hút tuyên truyền, quảng bá, đầu tư, thu hút khách du lịch. Trong đó, chỉ đạo tăng cường phát triển sản phẩm du lịch gồm 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề. Nổi bật phải kể đến du lịch khám phá, trải nghiệm; du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn.

Năm 2018, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch dựa trên bản sắc văn hóa. Huyện đã hoàn chỉnh các đề án: Bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Bảo tồn, phát huy giá trị tiêu biểu của tộc người Tày Bình Liêu tại thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô.

Cùng với đó, phối hợp khảo sát thống nhất xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm tại Bản Lục Ngù, xã Húc Động (gắn với địa điểm du lịch thác Khe Vằn). Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển loại hình sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc Sán Chỉ qua kiến trúc, trang phục, ẩm thực, phong tục, lễ hội truyền thống dân tộc... thu hút đông đảo khách du lịch.

UBND huyện còn xây dựng phương án quản lý, khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn. Năm nay, huyện đã chỉ đạo xây dựng phương án thử nghiệm sinh hoạt không gian Then tại xã Lục Hồn nhằm mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; cũng như phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu...

Một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bình Liêu chính là việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, trong đó có phát triển du lịch. Địa phương nhanh chóng hoàn thành các tuyến đường trên địa bàn như đường tuần tra biên giới và đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp, đường Đồng Văn - Khe Tiền, đường Khe Vằn - Húc Động... Hạ tầng viễn thông hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, các biển chỉ dẫn được ngành Giao thông đầu tư chỉ đường đến các điểm du lịch. Hạ tầng dịch vụ du lịch cũng được quan tâm chú trọng. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn là 17 cơ sở với 197 phòng. Trong đó, 8 cơ sở với 58 phòng đã được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch. Trên địa bàn cũng đã phát triển một số nhà ở cho khách du lịch thuê hoạt động khá hiệu quả như homestay A Dào (Phạt Chỉ - Đồng Văn), homestay Hoàng Sằn (Đồng Thanh - Hoành Mô)...

Thời gian qua, huyện Bình Liêu còn chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, với trên 12 chương trình truyền hình quảng bá đặc sắc về du lịch Bình Liêu trên các kênh truyền hình VTV, VTC, QTV; hơn 38 tin, bài viết, phóng sự ảnh đăng tải trên các báo của Trung ương, địa phương và chuyên trang du lịch. Đồng thời, đăng tải trên các trang mạng xã hội các tin, ảnh, video, bài viết có nội dung liên quan về du lịch Bình Liêu...

Tiềm năng lợi thế nhiều cùng với quyết tâm cao, mục tiêu và giải pháp cụ thể, hành động quyết liệt, tin tưởng rằng du lịch Bình Liêu sẽ cất cánh trong thời gian sớm nhất.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201812/binh-lieu-ghi-an-tuong-tu-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-2413621/