Bình Liêu: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) là hai nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, huyện Bình Liêu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Mô hình nuôi bò 3B của gia đình anh Vi Quốc Hòa, thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu cho hiệu quả kinh tế cao.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển thương hiệu sản phẩm

Tháng 6/2020, gia đình anh Vi Quốc Hòa, thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi bò tự cung, tự cấp sang chăn nuôi theo quy mô gia trại tập trung và mang tính chất hàng hóa. Từ đề án hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện, anh Hòa đã đăng ký tham gia mô hình nuôi bò 3B với số lượng 20 con, tổng kinh phí xây dựng chuồng trại và giá giống đầu tư là hơn 500 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng NTM là 199 triệu đồng. Sau hơn 4 tháng, đàn bò lớn nhanh, đạt 2,5-3 tạ/con và khoảng 2 tháng nữa là có thể xuất chuồng.

Anh Hòa chia sẻ: Nuôi bò chăn thả tự nhiên phải mất khá nhiều thời gian mới xuất chuồng, chưa kể lớn chậm và dễ bị bệnh tật, nhưng với giống bò mới, chăn nuôi tập trung thì chăm tốt chỉ khoảng 6-7 tháng là xuất bán được. Hơn nữa, giống bò này dễ chăm sóc, ít ốm bệnh hơn, tuy phải dành đất trồng thêm cỏ, nhưng so về lợi nhuận thì cao hơn. Dự tính, tháng 12/2020 đàn bò 20 con của gia đình sẽ xuất bán và hiện đã có thương lái đăng ký thu mua toàn bộ.

Với việc chuyển đổi chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại tập trung và mang tính chất hàng hóa, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Bình Liêu phát triển ổn định. Theo thống kê, hiện tổng đàn gia súc của huyện có khoảng 10.400 con, đàn gia cầm là 112.000 con, tăng 31,7% so với năm 2015.

Cùng với việc xây dựng và hình thành các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện cũng chú trọng chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng. Nhiều diện tích vườn tạp, đất trồng cây khoai, sắn kém hiệu quả được người dân chuyển sang trồng cây na dai, ổi lê Đài Loan, dong riềng, hay một số mô hình canh tác mới được áp dụng bổ trợ cho ngành du lịch địa phương là trồng hoa chất lượng cao... Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân.

Theo lãnh đạo huyện Bình Liêu, địa phương đã chủ động vận dụng linh hoạt nguồn vốn từ Chương trình 135, xây dựng NTM để hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Tính từ đầu năm đến nay, huyện đã phê duyệt 41 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất mới và 3 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Việc triển khai các mô hình sản xuất mới được thực hiện theo nguyên tắc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập.

Song song với đó, với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, huyện Bình Liêu đã ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất như: Ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư xây dựng trung tâm, tổ chức xúc tiến thương mại và tham gia Hội chợ OCOP thường niên...

Từ những kết quả của các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, trong những năm qua đã tạo ra các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương, với 345ha trồng cây dong riềng, trên 450ha cây sở, duy trì và phát triển trên 7.000ha trồng hồi, trên 20 gia trại chăn nuôi, trồng trọt tập trung. Đến nay, đã có 56 HTX được thành lập, trong đó có 25 HTX nông nghiệp, dịch vụ, môi trường; phát triển được 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP... Đặc biệt, thông qua thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, huyện Bình Liêu đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt 17/20 tiêu chí, 48/53 chỉ tiêu. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng NTM bền vững.

Mô hình trồng hoa chất lượng cao kết hợp với phát triển du lịch của Hợp tác xã hoa Bình Liêu.

Thu hút đầu tư gắn với phát triển du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã xác định, đến năm 2025, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 27-29% cơ cấu kinh tế của huyện; tập trung phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng chương trình NTM, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, và thủy sản đạt trên 7%/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong giai đoạn tới, huyện xác định phải tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chương trình xây dựng NTM và chương trình OCOP. Đặc biệt, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhân rộng mô hình “Liên kết 4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại, HTX nông nghiệp và các tổ hợp tác.

Cùng với đó, tiếp tục tăng tỷ trọng chăn nuôi, phát huy thế mạnh chăn nuôi gia súc; phát triển nuôi cá nước chảy, nuôi cá nước lạnh, tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng thế mạnh theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa: hồi, quế, sở, dong riềng... gắn với phát triển các cơ sở chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển thương hiệu miến dong Bình Liêu. Huyện sẽ đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp để trồng rừng, trồng cây hương liệu, dược liệu, rau an toàn, trồng hoa... trong đó, đặc biệt chú trọng tạo điều kiện về đất cho phát triển trồng hoa, rau công nghệ cao và trồng hoa đào bản địa; thực hiện quy chuẩn hóa sản xuất nông sản, quản lý, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, thực hiện truy xuất nguồn gốc 100% các sản phẩm OCOP.

Một trong nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn tới là phải gắn với phát triển du lịch bởi thời gian qua đã chứng minh trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nông nghiệp, nhiều sản phẩm du lịch được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp có sức thu hút khách du lịch như lễ hội hoa sở; lễ hội mùa vàng; tham quan vườn hoa Cao Sơn; trải nghiệm bản người Dao tại Sông Moóc (xã Đồng Văn) gắn với những điểm du lịch như ruộng bậc thang, những cánh rừng hồi, rừng quế. Hiện nay, huyện đã có chủ trương và đang trong quá trình xây dựng đề án, trong đó sẽ định hướng, tổ chức lại ngành, đảm bảo mỗi sản phẩm nông nghiệp gắn kết với từng sản phẩm du lịch của địa phương, tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, riêng có của huyện. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành và đưa vào triển khai trong năm 2021. Đây là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202011/binh-lieu-day-manh-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-ntm-2508030/