Bình Liêu chuyển động từ tài nguyên rừng

Bình Liêu có 18.000ha rừng phòng hộ, 22.000ha rừng sản xuất, chiếm trên 87% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Từ sự quy hoạch, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nguồn thu từ rừng của Bình Liêu ngày càng cao, không chỉ giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, mà còn là chất liệu để huyện phát triển kinh tế du lịch.

Phong trào thoát nghèo, làm giàu từ rừng diễn ra mạnh nhất phải kể đến ở Đồng Văn, xã miền núi, giáp biên cao và xa nhất của Bình Liêu. Với hơn 2.000ha rừng hồi, quế ở tuổi trưởng thành đã giúp Đồng Văn trong giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm nghèo từ 80-100 hộ dân. Nếu như năm 2016 Đồng Văn còn tới 70% hộ nghèo, thì nay con số này là gần 4% với 18 hộ.

Gia đình anh Dường Cắm Chăng, thôn Sông Moóc A trong 3 vụ hồi gần đây đều đạt nguồn thu khoảng 200 triệu đồng. Năm 2020 vừa qua, giá hồi tươi là 90.000 đồng/kg, gấp 1,5 lần giá thu mua năm trước, chính bởi vậy tổng thu nhập từ rừng hồi của gia đình anh Chăng tăng thêm. Từ số tiền thu hoạch hoa hồi, anh Chăng đã xây được ngôi nhà mới khang trang, trị giá gần 700 triệu đồng. Nhìn ngôi nhà cùng những tiện nghi anh Chăng sắm sửa, không ai nghĩ chỉ 4 năm trước đó gia đình anh nằm trong danh sách hộ nghèo, thu nhập của cả nhà anh dưới 1 triệu đồng/người/tháng.

Còn ở xã Húc Động, theo ông Đỗ Bá Sềnh, Phó Chủ tịch UBND xã, những năm gần đây, số lượng những ngôi nhà xây mới hiện đại, to đẹp ngày càng nhiều. Phần lớn kinh phí để người dân xây dựng nhà là từ rừng. Kể cả những công trình dân sinh được xây dựng khang trang, phát huy tiện ích trên địa bàn mà có phần vốn đối ứng của người dân cũng là nhờ rừng mà có.

Người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu thu hoạch hoa hồi.

Người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu thu hoạch hoa hồi.

Nhiều năm ở trong ngôi nhà lụp xụp, giấc mơ của anh Chìu Tắc Lò, thôn Sú Cáu, xã Húc Động chỉ là có ngôi nhà xây kiên cố, vững chãi, đảm bảo an toàn. Giờ đây, sau 3 vụ quế, anh Lò đã có đủ 500 triệu đồng để hoàn thiện ngôi nhà của mình. Với 2ha hồi, 2ha quế, thông, keo mà gia đình đang có, giấc mơ tiện nghi sinh hoạt đủ đầy, con cái được chăm lo học hành, nhà có của ăn của để không còn là xa vời đối với anh Lò.

Từ rừng, Húc Động ngày càng đổi thay diện mạo, người dân nâng cao thu nhập, nâng cao dân trí, tự tin tham gia các định hướng phát triển kinh tế chung, trong đó có kinh tế dịch vụ, du lịch mà Húc Động là một trong 2 xã được huyện Bình Liêu lựa chọn làm hạt nhân phát triển.

Nhìn rộng ra toàn huyện Bình Liêu, mỗi năm có khoảng 200 hộ dân thoát nghèo nhờ rừng. Riêng năm 2020, toàn huyện có 280 hộ thoát nghèo từ rừng. Kết quả này là nhờ giá trị của gần 340 tấn hoa hồi khô, gần 270 tấn vỏ quế khô, 537 tấn nhựa thông và 172 tấn hạt sở... mà người dân huyện Bình Liêu đã thu hoạch được từ rừng.

Theo ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, đáng mừng là giá trị rừng của Bình Liêu giờ đây không chỉ thông qua sản lượng lâm sản thu được, mà rừng còn là chất liệu để địa phương phát triển du lịch. Có thể thấy nhiều hoạt động du lịch mà Bình Liêu tổ chức gần đây đều được gắn với rừng, đặc biệt là gắn với cây sở. Và vùng hoa sở xã Đồng Tâm đã là một thương hiệu du lịch gắn với rừng, đây chính là bước chuyển về nâng cao giá trị rừng của Bình Liêu.

Tiếp tục nâng cao giá trị của rừng, thời gian gần đây huyện Bình Liêu đã khuyến khích người dân tăng cường các giải pháp chăm sóc cây rừng; xây dựng kế hoạch cải tạo giống các loại cây bản địa; tăng cường trồng mới diện tích rừng thông dọc các xã vùng giáp biên, bởi đây là loại cây mang lại nguồn lợi ổn định và lâu dài cho người dân, lại vừa có tác dụng bảo vệ môi trường tốt. Bình Liêu tiến tới nhân rộng diện tích cây gỗ bản địa, trồng mới rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng xen canh cây dược liệu dưới tán rừng, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào rừng... Đặc biệt, huyện đang đẩy mạnh tiến độ đề án giao đất giao rừng, nhằm đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn đều có chủ, qua đó tạo thêm dư địa về rừng để người dân có thêm nguồn thu, nâng cao chất lượng đời sống.

Bên cạnh đó, huyện Bình Liêu đang phối hợp với các đơn vị chức năng quản lý tốt 18.000ha rừng phòng hộ; tiếp tục trình tỉnh xem xét phương án thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Bình Liêu. Đây được coi là giải pháp quản lý rừng phòng hộ bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan; đồng thời mang lại giá trị kinh tế rừng lâu dài cho địa phương.

Đi lên từ tài nguyên rừng, lấy rừng làm dư địa phát triển, lấy rừng làm tư liệu sản xuất đa mục đích... đó chính là cách Bình Liêu khai thác rừng, cũng là sự chuyển động đang diễn ra mạnh mẽ ở huyện vùng cao này.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202104/binh-lieu-chuyen-dong-tu-tai-nguyen-rung-2529355/