Bình Liêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bình Liêu có trên 96% dân tộc thiểu số cùng sinh sống, bên cạnh những nét chung về văn hóa cộng đồng, mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của dân tộc mình, tạo nên một nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Nhà văn hóa xã Lục Hồn xây dựng theo kiến trúc nhà sàn, là nơi sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc trong xã được Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng đầu tư. Ảnh Hùng Sơn.

Nhà văn hóa xã Lục Hồn xây dựng theo kiến trúc nhà sàn, là nơi sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc trong xã được Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng đầu tư. Ảnh Hùng Sơn.

Ông Phan Ngọc Sinh, dân tộc Tày, bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô: Từ trước tới nay, tôi luôn có ý thức gìn giữ di sản của tổ tiên để lại, đó là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của ông bà, cha mẹ như: Cối xay, máng chăn lợn, nồi đồng, đĩa hát và nếp nhà truyền thống của người Tày Bình Liêu gần 100 năm tuổi."

Những năm qua huyện đã tập trung khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, ngày lễ “Kiêng gió” của đồng bào dân tộc Dao, các chợ phiên vào ngày chủ nhật hằng tuần... Cùng với đó, huyện cũng triển khai các giải pháp bảo tồn toàn diện từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà cửa cũng như những giá trị, tri thức tốt đẹp của bà con các dân tộc; quan tâm thu hút các chương trình, dự án đầu tư phát triển du lịch trong đó chú ý tới bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở các bản làng. Ngoài xây dựng các điểm, tour, tuyến du lịch, huyện cũng hướng đến xây dựng các bản làng văn hóa dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao Thanh Phán ở Bản Cáu, xã Lục Hồn; thôn Lục Ngù, xã Húc Động; Sông Moóc...

Phụ nữ Tày huyện Bình Liêu đàn tính hát then bên cột mốc biên giới. Ảnh: Phạm Học (Chụp tháng 11/2019)

Đặc biệt, từ khi hát Then - nghi lễ của người Tày Quảng Ninh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể năm 2013 đã tạo thêm động lực để các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu tích cực tham gia công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Song song với đó, huyện luôn đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao từ huyện đến cơ sở, đáp ứng phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu tham gia, thụ hưởng các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Hiện trên địa bàn có 21 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ truyền thống, trong đó 9 CLB cấp xã, 10 CLB cấp thôn, 2 CLB cấp trường. Huyện đã tích cực đẩy mạnh phát triển hoạt động các CLB này là một trong những giải pháp, nhằm cụ thể hóa Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn.

Phụ nữ dân tộc Dao chọn lựa vải, nguyên liệu may, dệt thổ cẩm ở chợ phiên Đồng Văn. Ảnh: Tạ Quân

Hằng năm Bình Liêu tổ chức trên 10 chương trình văn nghệ quần chúng cấp huyện. Duy trì triển khai mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, trong đó tối thiểu hằng tuần mặc 2 ngày và khuyến khích mặc khi tham dự các cuộc hội nghị...

Bà Đặng Thị Dung, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát triển văn hóa Dao Thanh Y xã Vô Ngại chia sẻ: CLB được thành lập từ cuối năm 2018, đến nay chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đều đặn. Cùng với đó chúng tôi vẫn thường xuyên đi đến các bản có dân tộc Dao sinh sống để kêu gọi các chị em tham gia vào sinh hoạt CLB với mục đích chính là bảo tồn và lưu giữ các văn hóa Dao Thanh Y huyện Bình Liêu, ngoài việc dạy hát việc phục dựng các nghi lễ cũng được chú trọng. Bên cạnh phục vụ lễ hội của địa phương thì các nghi lễ còn tượng trưng cho nét văn hóa tín ngưỡng của từng dân tộc nhằm mang tới không gian văn hóa đa dạng.

Trung Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202004/binh-lieu-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-2480697/