Bình hoa ngày Tết

Chiều cuối năm, Minh Anh đi làm về với một bó các loại hoa trên tay. Cô hớn hở khoe: 'Mẹ ơi, con mua hoa ly để cắm Tết rồi nhé. Năm nay, nhà mình mới xây xong, nên thay đổi đi mẹ ạ'. Ngoài hoa ly, cô còn đặt mua một loạt hoa và các loại lá nhập ngoại khá lạ mắt để cắm xen với nhau.

Bà Thanh từ tốn nói với con: “Con mua hoa rồi thì cứ cắm, bày các phòng cho đẹp. Riêng lọ hoa ở phòng khách, con cứ để mẹ cắm lọ hoa cổ truyền như mọi năm nhé”.

Mỹ Anh vẫn hồn nhiên: “Ôi mẹ ơi, bây giờ ai còn cắm mấy cái loại hoa cổ truyền vớ vẩn ấy nữa. Mà cái giống hoa violet nó cứ rụng cánh đầy ra trên mặt bàn, nhìn bẩn lắm”. Đến lúc này, bà Thanh hơi cau mày: “Con nói thế không được, như thế nào là bẩn? Bao năm nay, nhà mình đều cắm lọ hoa cổ truyền đó vào dịp Tết. Thế nên sẽ không có gì thay đổi nhé”. Nói rồi, bà đi vào bếp, chuẩn bị cơm chiều.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Có lẽ, biết mình lỡ lời, nên Minh Anh cũng không nói gì thêm. Cô thay đồ rồi xuống giúp mẹ làm cơm. Sau bữa cơm tối, cả nhà quây quần uống trà dưới ánh đèn vàng ấm áp. Nhẹ thàng thưởng thức chén trà mạn nóng hổi, nhấm nháp cùng miếng mứt gừng cay cay, bà Thanh rủ rỉ nói chuyện cùng con gái về hoa Tết.

Với người Hà Nội, khi hoa violet và thược dược xuất hiện trên phố có nghĩa Tết cổ truyền đã cận kề. Ngoài hoa đào tại vườn Nghi Tàm, Quảng Bá và quất Tứ Liên, bình hoa cổ truyền luôn khoe sắc tại phòng khách của người Hà Nội. Màu tím dịu dàng của violet mang đến cảm giác an nhiên, tĩnh tại. Hoa thược dược, đồng tiền rực rỡ mang ý nghĩa “phú quý” tài lộc. Đặc biệt, hoa thược dược có nhiều màu, nhưng nhất định phải có bông “cẩm nhung” đỏ thẫm. Người nội trợ khéo có thể “cắm xen” thêm hoa cánh bướm và hoa cúc để bình hoa thêm “bắt mắt”. Ngoài ra, bình hoa cổ truyền còn được các bà các mẹ cắm thêm vài bông lay-ơn với kỳ vọng vào việc học hành của con cái được đỗ đạt hanh thông.

Mẹ của Minh Anh kể về những năm gia đình trải qua biến cố, dù rất nghèo nhưng bà vẫn luôn gắng mua bình hoa cổ truyền vào dịp Tết. Bố của cô cũng nhắc lại kỷ niệm đêm 30 Tết của chuỗi ngày tận cùng khó khăn, hai vợ chồng tranh thủ ra mua “hoa vét” ở gần nhà. Giờ sát giao thừa, người ta vừa bán vừa cho. Chỉ với số tiền nhỏ, nhưng năm đó nhà vẫn có hoa đón Tết. Minh Anh cúi xuống, gắng ngăn dòng lệ nóng đang trào mi. Cô đã hiểu, với bố mẹ cô, bình hoa cổ truyền còn có ý nghĩa riêng thật đặc biệt.

Sau khi kết hôn, dù đã chuyển vào sống tại TP HCM cùng gia đình nhà chồng, thế nhưng mỗi khi Tết đến, bao giờ Minh Anh cũng đặt mua những loại hoa của Hà Nội gửi vào. Và, mỗi chiều cuối năm ngồi cắm hoa ở nơi xa, cô lại chạnh nhớ đến câu chuyện của mẹ về bình hoa cổ truyền của người Hà Nội.

...Sớm mùng 1 đầu năm mới, vài tia nắng ấm áp của mảnh đất phương Nam chiếu lung linh trên bình hoa “cổ truyền” ngày Tết nơi phòng khách nhà Minh Anh. Những đóa hoa hoa thược dược nhung, lay-ơn đỏ, hoa cánh bướm, đồng tiền khoe sắc rực rỡ bên hoa violet mỏng manh dịu dàng. Dường như, Hà Nội thân thương đang ở rất gần.

Lặng ngắm hoa và Minh Anh thầm nhủ: Vậy là, một năm mới lại đến với bao điều ước vọng hạnh phúc an nhiên ẩn chứa nơi bình hoa rực rỡ.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/binh-hoa-ngay-tet-176650.html