Bình Dương: Nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu tăng trưởng cao

Trong 8 tháng đầu năm 2019, bức tranh kinh tế Bình Dương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, da giày, gốm sứ… có giá trị xuất khẩu tăng cao.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Kaiser, Bình Dương Ảnh: Xuân Thi.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Kaiser, Bình Dương Ảnh: Xuân Thi.

Xuất siêu trên 4,5 tỷ USD

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, với việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) tiếp tục mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu mặt hàng nông sản (gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản...), dệt may, da giày, đồ gỗ... khi EU xóa bỏ phần lớn các dòng thuế nhập khẩu.

Trong 8 tháng năm 2019, Bình Dương đã xuất siêu hơn 4,5 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của tỉnh đạt trên hơn 17,5 tỷ USD tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đạt trên 12,9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, xuất khẩu của khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trong 8 tháng năm 2019. Kết quả này cho thấy việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội trong hội nhập đã được các DN trong nước thực hiện tốt.

Trong đó, nhiều ngành hàng chủ lực của Bình Dương có giá trị xuất khẩu tăng cao. Dẫn đầu là ngành gỗ với kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương. Dự báo trong những tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh tiếp tục tăng mạnh theo chu kỳ, do hoạt động xây dựng, tu sửa, thay thế trang thiết bị nội thất tăng mạnh để phục vụ các ngày lễ, tết vào những tháng cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt, ngành gỗ ghi nhận sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới như Canada, Liên minh kinh tế Á - Âu…

Với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 8 tháng qua đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,3% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Các mặt hàng dệt may xuất khẩu của tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá và ổn định. Dự báo các DN dệt may tiếp tục có đơn hàng xuất khẩu ổn định đến hết quý III/2019; giá nguyên vật liệu ổn định, không tăng so với tháng trước.

Hàng giày da cũng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2019 cao với 1,9 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,2% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Các DN ngành giày da đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III/2019, với lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 5% so với cùng kỳ.

Hàng gốm sứ có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 đạt 120 triệu USD tăng 7,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 0,7% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Các DN gốm sứ đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2019, lượng đơn hàn tăng so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á.

Giải bài toán tăng trưởng bền vững

Để đạt được kết quả nói trên, ngoài việc lớn mạnh về quy mô cấu trúc DN, theo Sở Công Thương Bình Dương các ngành hàng trong tỉnh còn phát triển mạnh công nghệ và thiết bị sản xuất của các nước tiên tiến trên thế giới, nhờ đó nâng cao sản lượng, chất lượng, đáp ứng tốt đơn hàng của đối tác. Cùng với đó, các DN đã quan tâm đầu tư sản xuất phụ liệu từ nguyên liệu trong nước nên chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên, cho biết, để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu công ty đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc công nghệ sản xuất hiện đại, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Việc đầu tư máy móc công nghệ này sẽ giúp công ty nâng cao năng suất lao động, gảm thiểu lao động chân tay… từ đó tạo ra nhiều sản phẩm kết cấu, mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng khó tính của thị trường, nhất là đối với mặt hàng cao cấp về chất lượng và mỹ thuật.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia hiện nay nhiều ngành xuất khẩu trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng đang gặp những bất lợi do chưa chủ động hoàn toàn nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất. Song song đó, khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia được thực thi bên cạnh những cơ hội là những thách thức không nhỏ. Để bảo đảm phát triển ổn định, các ngành đặc biệt là giày da, may mặc và chế biến gỗ cần lưu ý đến việc bảo vệ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm vì quyền lợi quốc gia, tránh rắc rối trong hoạt động ngoại thương khi có chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, trong năm 2019, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15,5% so với năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho DN đăng ký thương hiệu sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, đơn vị cũng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ xuất khẩu; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/binh-duong-nhieu-mat-hang-chu-luc-xuat-khau-tang-truong-cao-111414-111414.html