Bình Dương: Người dân 'tố' thị xã Tân Uyên cấp GCN QSDĐ không đúng quy định

Gia đình ông Nguyễn Chí Thanh sinh sống ổn định trên đất hơn 60 năm nhưng khi UBND thị xã Tân Uyên cấp GCN QSDĐ cho người khác lại không thể hiện có tài sản trên đất, dù đã qua 2 lần cấp, đổi GCN QSDĐ.

Ông Nguyễn Chí Thanh đứng trước ngôi nhà của mình đã sinh sống trên 60 năm

Ông Nguyễn Chí Thanh đứng trước ngôi nhà của mình đã sinh sống trên 60 năm

Vừa qua, Công lý & Xã hội đã đăng bài “Thị xã Tân Uyên (Bình Dương): Nhận 386 triệu đồng sau hơn 60 năm quản lý, sử dụng đất ổn định” số 045 ra ngày 05/6/2020. Theo đơn phản ánh, ông Nguyễn Chí Thanh (ngụ tại số 65, khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết, diện tích đất 231,8m2 có nguồn gốc là đất đồn bốt của quân đội Pháp. Năm 1954, Pháp rút đi, cha mẹ ông Thanh (ông Nguyễn Văn Ở và bà Huỳnh Thị Hường) san lấp, khai phá một phần hầm hố đồn bốt để cất nhà ở.

Năm 1962, chính quyền chế độ cũ gom dân đuổi nhà vào ấp chiến lược Hóa Nhựt. Năm 1975, gia đình ông Thanh hồi cư về cất lại ngôi nhà trên nền đất cũ. Năm 1990, gia đình ông Thanh xây dựng lại ngôi nhà kiên cố mái ngói, vách tường bằng gạch, nền lát gạch tàu sử dụng bán cà phê. Năm 2000, ông Ở và bà Hường đi đăng ký xin cấp GCN QSDĐ thì phát hiện bà Nguyễn Thị Thương đã được UBND huyện Tân Uyên cấp năm 1999. Mặc dù trong quá trình sử dụng, gia đình ông Thanh đã thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất.

Năm 2007, Nhà nước giải tỏa thu hồi một phần đất làm đường dẫn nước. Gia đình ông Thanh nhận tiền bồi thường đất và tài sản trên đất. Năm 2011, Nhà nước mở rộng đường ĐT 746, hối thúc việc làm đường, ông Thanh nhận tiền bồi thường nhà trước, còn tiền đất thì tranh chấp với ông Trực sau.

Công văn số 44/PTN&MT-ĐĐ ngày 20/01/2014 của Phòng TN&MT huyện Tân Uyên

Ông Nguyễn Văn Trực thì không cho là như vậy, ông Trực trình bày phần đất gia đình ông Thanh đang ở là đất của mẹ ông Trực, được thừa hưởng từ ông bà trước năm 1975. Sau 1975 cha mẹ ông Thanh xin bà Thương cất một căn nhà nhỏ trên đất để ở nhờ, mẹ ông Trực đồng ý nhưng không làm giấy tờ.

Theo Biên bản xác minh ngày 12/12/2016 của TAND thị xã Tân Uyên, ông Phan Văn Bạn (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) trình bày, cha mẹ ông Thanh đã sinh sống trên phần đất từ trước năm 1975 cho đến nay. Trước đây phần đất này thuộc quản lý của quân đội Pháp xây đồn bốt. Sau khi Pháp rút, cha mẹ ông Thanh đến san lấp, cất nhà để bán cà phê sinh sống cho tới bây giờ.

Cũng tại các Biên bản xác minh khác cùng ngày 12/12/2016 của TAND thị xã Tân Uyên, ông Võ Trung Thành, ông Trần Văn Tông, bà Nguyễn Thị Bề cho biết nguồn gốc đất ông Thanh đang ở không biết của ai, nhưng đã thấy cha mẹ ông Thanh ở trên đó từ trước năm 1975.

Tiếp đó ngày 16/12/2016, ông Nguyễn Văn Khọt (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) trình bày trong Biên bản xác minh, trước đây cha ông Thanh làm nghề thợ rèn. Năm 1975, ông Khọt thấy gia đình ông Thanh san lấp phần đất đồn bốt của Pháp làm quán cà phê. Sau khi cha mẹ ông Thanh chết, ông Thanh tiếp tục ở đó và bán cà phê đến nay. Nguồn gốc đất trước đó của ai thì ông Khọt không biết.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH02268 do UBND huyện Tân Uyên cấp ngày 12/6/2012 cho ông Trực thể hiện không có nhà của ông Thanh

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 năm 2014, TAND huyện Tân Uyên và TAND tỉnh Bình Dương tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, giao toàn bộ diện tích đất tranh chấp cho ông Thanh quản lý, sử dụng. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 năm 2017, TAND thị xã Tân Uyên và TAND tỉnh Bình Dương tuyên ông Trực được quyền quản lý sử dụng đất tranh chấp, chỉ bồi thường công giữ gìn cải tạo đất 386 triệu đồng.

Ngày 04/6/2018, VKSND cấp cao tại TPHCM quyết định kháng nghị GĐT bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Bình Dương cho rằng, TAND thị xã Tân Uyên đã tiến hành lấy lời khai của người làm chứng đều xác định cha mẹ ông Thanh quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp từ trước cho đến nay. Căn nhà trên đất chính là do cha mẹ ông Thanh xây dựng mà không bị ai cản trở. Như vậy, có đủ cơ sở để nhận định từ sau giải phóng đến nay năm 1999, bà Thương không quản lý, sử dụng đối với phần đất này.

Cũng theo quyết định kháng nghị, khi cấp GCN QSDĐ cho bà Thương, cơ quan xét duyệt không thẩm tra tình trạng đất đã có nhà của cha mẹ ông Thanh đang ở. Không có biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất sử dụng. Lẽ ra UBND xã Tân Hiệp phải xác định trường hợp này là chưa đủ điều kiện đăng ký và cấp GCN QSDĐ do vi phạm Thông tư số 346/1998-TT-TCĐC. Vi phạm Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT trong việc cấp lại giấy CNQSDĐ cho ông Trực.

Như vậy, UBND huyện Tân Uyên cấp GCN QSDĐ cho ông Trực là không đúng pháp luật. Thực tế phần diện tích đất tranh chấp trên là do gia đình ông Thanh quản lý, sử dụng công khai, liên tục, ổn định, lâu dài. Năm 1994, ông Trực có xây tường rào giữa đất ông Trực được cấp với phần đất tranh chấp do ông Thanh đang quản lý.

Ngày 30/8/2018, UBTP TAND cấp cao tại TPHCM cho rằng, lời khai các nhân chứng khác là ông Nguyễn Văn Dằng, ông Nguyễn Văn Na, ông Nguyễn Văn Thành, ông Phạm Văn Sự, ông Lê Văn Quang xác định diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc là của bà Thương, cha mẹ ông Thanh là người ở nhờ trên đất. Đối với thủ tục cấp sổ của bà Thương, UBND huyện Tân Uyên đã cấp đúng trình tự, thủ tục. Buộc ông Thanh phải giao đất lại cho ông Trực và nhận lại phần giá trị nhà và công giữ gìn cải tạo đất tổng cộng 386 triệu đồng.

Mới đây, trao đổi với phóng viên, bà Võ Thị Xuyến (sinh năm 1954, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) cho biết, bà về làm dâu sau năm 1975 thì đã thấy cha mẹ ông Thanh cất nhà bán cà phê tại vị trí đó tới nay. Ngày xưa tại đó là ngã tư xe bò, có chợ chồm hổm tụ tập vào buổi sáng, bà thường ra uống cà phê. Sau 3 lần cha mẹ ông Thanh cất nhà lại cũng không nghe ai nói cất nhà trên đất của ông Trực. Khi nhà nước làm đường (mở rộng đường ĐT746 năm 2011– PV) mới nghe có tranh chấp.

Ngày 14/7/2020, phóng viên có buổi làm việc với ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Binh Dương. Khi được hỏi, tại thửa số 525 tờ bản đồ số 3 đã được cấp GCN QSDĐ ngày 12/6/2012 cho ông Nguyễn Văn Trực có nhà ông Thanh trên đất (trong đó, diện tích đất ở là 269m2, diện tích đất trồng cây lâu năm là 1.016m2, không có nhà ở và công trình xây dựng khác trên đất).

Như vậy nhà ông Thanh tồn tại từ trước năm 1975 và đến khi ông Trực được cấp sổ (năm 2012) thuộc phần diện tích nào? Có văn bản hoặc chứng cứ nào được lưu trong hồ sơ địa chính thể hiện bà Thương và cha mẹ ông Thanh ở nhờ hoặc thuê mướn đất hay không? Đồng chí Chủ tịch thị xã Tân Uyên đề nghị phóng viên để lại câu hỏi, hứa sẽ trả lời trong tháng 7/2020.

MINH ĐỨC

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/binh-duong-nguoi-dan-to-thi-xa-tan-uyen-cap-gcn-qsdd-khong-dung-quy-dinh-49856.html