Bình Dương muốn lắp thêm trạm thu phí: Sao làm thế?

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có phải là tuyến đường độc đạo? Việc lắp đặt trạm thu phí trên tuyến đường này có được người dân ủng hộ?

Ngày 30/7/2020, trao đổi với Đất Việt việc UBND tỉnh Bình Dương đề xuất lắp trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn để có nguồn thu khoảng 9.600 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo chính tuyến đường này, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT đã đặt ra nhiều câu hỏi. Đầu tiên, việc lắp thêm trạm thu phí với phù hợp với quy định pháp luật và hợp lòng người dân để tránh bất ổn như đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác.

Theo ông Thủy, đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 62km được coi là "con đường tơ lụa" của tỉnh Bình Dương khi đây là tuyến giao thông huyết mạch nối địa phương này với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Phước.

Tuyến đường được xây dựng bởi nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và không thu phí từ khi đưa vào sử dụng đến nay. Bây giờ nếu xuất hiện thêm trạm thu phí trên đường này thì phản ứng của người dân sẽ thế nào?

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn ở Bình Dương.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn ở Bình Dương.

"UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn có phải là đường độc đạo hay không? Nếu là đường độc đạo thì không thể lắp đặt trạm thu phí bởi trái quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc lắp đặt trạm thu phí trên tuyến đường này có đảm bảo nguyên tắc khoảng cách giữa các trạm thu phí với nhau là 70km?

Nếu những yếu tố này được đảm bảo thì bước tiếp theo cần phải lấy ý kiến người dân xem có đồng ý đặt trạm hay không, vị trí đặt trạm có hợp lý, và mức thu mà UBND tỉnh Bình Dương đề xuất có phù hợp không?..." - TS Nguyễn Xuân Thủy đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc cải tạo tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn là chuyện của UBND tỉnh Bình Dương nhưng vấn đề lắp đặt trạm thu phí trên tuyến đường này cần phải có ý kiến chỉ đạo từ các cấp cao hơn.

Nên nhớ, trong thời gian qua, bức xúc ở các trạm BOT nhiều lần xảy ra và tới nay, vẫn chưa tìm được phương án giải quyết triệt để. Việc có thêm một trạm thu phí ở Bình Dương có thể làm cho tình trạng này xuất hiện lại.

TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ: "Mỗi dự án cuối cùng cũng phục vụ nhu cầu, lợi ích của người dân thì người dân phải được quyền quyết định. Nếu dân không đồng tình thì tuyệt đối không được làm".

Bên cạnh đó, ông Thủy cũng đặt ra câu hỏi về phương án tính toán tài chính mà UBND tỉnh Bình Dương đưa ra khi thực hiện dự án cải tạo đường Mỹ Phước - Tân Vạn và lắp đặt trạm thu phí.

"Khi làm đường thì tổng kinh phí của doanh nghiệp chỉ hết khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng giờ cải tạo thì số tiền lớn hơn 200% so với số tiền làm mới. Tại sao có sự chênh lệch lớn như thế? Bên cạnh đó, cơ sở nào để Bình Dương đưa ra mức thu thấp nhất là 20.000 đồng/lượt xe và tăng trong 5 năm tiếp theo?" - TS Nguyễn Xuân Thủy băn khoăn.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ông Võ Văn Lượng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương xác nhận, UBND tỉnh đang đề xuất lắp đặt trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn trong thời gian 30 năm để có vốn đầu tư 9.623 tỷ đồng cho dự án cải tạo cảnh quan, chống ùn tác giao thông trên chính tuyến đường này.

"Đề xuất này mới được UBND tỉnh gửi tới HĐND tỉnh để chờ thông qua chủ trương đầu tư. Nếu được thông qua còn phải trải qua bước lập dự án, thông qua thêm nhiều bước ở cơ quan chức năng có thẩm quyền mới đi vào thực hiện được. Nói chung mới đề xuất hướng như thế chứ chưa có gì hết" - ông Lượng cho biết.

Vị trí (khoanh dấu đỏ) UBND tỉnh Bình Dương đề xuất lắp trạm thu phí trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn.

Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, dự án cải tạo cảnh quan, chống ùn tác giao thông đường Mỹ Phước - Tân Vạn tốn nhiều tiền mà ngân sách địa phương có hạn nên phải có nguồn thu để thực hiện. Chính vì thế, UBND tỉnh Bình Dương mới đề xuất việc lắp đặt trạm thu phí trên tuyến đường này.

Thông tin trên từ Tuổi trẻ, ngày 17/7/2020, tại kỳ họp giữa năm, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh.

Dự kiến, trạm thu phí sẽ được đặt gần vòng xoay An Phú, gần nút giao giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường Lê Thị Trung, thuộc TP Thuận An. Thời gian thu phí dự kiến trong vòng 30 năm, với tổng số tiền ước thu 9.600 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm định dự án cho biết việc xây dựng trạm thu phí chỉ là một hạng mục nhỏ trong tổng dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc trên các tuyến đường. Việc đặt trạm thu phí không phải để hoàn vốn làm đường Mỹ Phước - Tân Vạn, mà nhằm tạo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng mới.

Tiêu biểu như làm hàng chục cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông lớn giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến đường chính để giảm ùn tắc giao thông (tính riêng hạng mục này là hơn 3.600 tỉ đồng), làm 7 đường gom dân sinh dọc đường Mỹ Phước – Tân Vạn và đường ĐT743 với chi phí 345 tỉ đồng...

Ngoài ra, một hạng mục quan trọng khác của dự án này là tạo nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa 4 tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương (gồm: Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747, ĐT743) trong thời gian tới.

Với cách làm này, một mặt Bình Dương sẽ có thêm các hạng mục giao thông mới giảm ùn tắc, vừa giúp ngân sách không phải bỏ tiền ra để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường lớn. Ước tính chi phí duy tu, bảo dưỡng cho 4 tuyến đường thuộc dự án trong suốt 30 năm lên tới trên 2.000 tỉ đồng.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/binh-duong-muon-lap-them-tram-thu-phi-sao-lam-the-3415456/