Bình Dương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục vượt mục tiêu NQ35

Bình Dương là địa phương đã thực hiện rất hiệu quả công tác huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư vào phát triển giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 35.

LTS: Thực hiện loạt bài về quá trình triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP từ năm 2019 đến nay, với mong muốn ghi nhận từ chính các địa phương triển khai, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi công văn tới 63 tỉnh, thành phố đề nghị cung cấp thông tin về những kết quả, thuận lợi, khó khăn sau 3 năm triển khai Nghị quyết cũng như đề xuất, kiến nghị.

Đến nay, Tòa soạn đã nhận được công văn phản hồi của nhiều tỉnh, thành phố. Theo đó, hầu hết những địa phương này đều gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt những chỉ số về mục tiêu đặt ra đến năm 2020 chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, riêng đối với tỉnh Bình Dương, theo công văn phản hồi của Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương, địa phương này đã thực hiện rất hiệu quả công tác huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư vào phát triển giáo dục đào tạo. Kết quả thể hiện qua việc các chỉ số ở các bậc học ở địa phương này đều cao hơn những mục tiêu mà Nghị quyết 35 nêu ra. Với việc tiên phong thực hiện Nghị quyết 35, trong thời gian tới hy vọng tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc thực hiện huy động xã hội hóa đầu tư vào giáo dục.

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn thông tin tới độc giả một số nội dung chính mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đã cung cấp do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nhật Hằng ký.

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025; Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1362/KH-UBND ngày 25/3/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025.

Thực hiện Kế hoạch số 1362/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt toàn ngành quan điểm, mục tiêu của việc tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo.

Theo đó, mục tiêu của Bình Dương là, thực hiện huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà và hòa chung vào cuộc cách mạng 4.0 của quốc gia.

Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống trường ngoài công lập, cụ thể:

Phấn đấu đến 2020 số cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập của ngành giáo dục đào tạo tỉnh đạt ít nhất 46,4% (so với tổng số cơ sở giáo dục) với số người theo học đạt ít nhất 21,21% (so với tổng số người học).

Phấn đấu đến năm 2025 ngành giáo dục đào tạo tỉnh có ít nhất 50,29% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập với số người học đạt ít nhất 21,79%.

Năm 2020, tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt ít nhất 71,9%, tỷ lệ trẻ theo học đạt ít nhất 72,48%.

Năm 2025, tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt ít nhất 73,47%, tỷ lệ trẻ theo học đạt ít nhất 74,46%.

Năm 2020, tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đạt ít nhất 5,24%, tỷ lệ trẻ theo học đạt ít nhất 3,78%.

Năm 2025, tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đạt ít nhất 5,53%, tỷ lệ trẻ theo học đạt ít nhất 4,74%.

Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố xây dựng tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo địa phương giai đoạn 2020-2025 để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với đơn vị trực thuộc, Sở yêu cầu đưa công tác huy động các nguồn lực xã hội vào kế hoạch phát triển giáo dục của nhà trường.

Từ các chỉ tiêu kế hoạch về công tác huy động các nguồn lực được xây dựng tại kế hoạch của tỉnh. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, tổ chức thực hiện của các Phòng Giáo dục và Đào tạo và đơn vị trực thuộc và có những chỉ đạo cụ thể đối với việc phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, khó khăn, khuyết điểm để bảo đảm hiệu quả công tác huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư vào phát triển giáo dục đào tạo.

Kết quả mà Bình Dương đạt được từ khi thực hiện Nghị quyết 35 như sau:

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đánh giá về vai trò của giáo dục ngoài công lập hiện nay, những đóng góp của họ đối với sự nghiệp giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga- Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng:

Giáo dục ngoài công lập có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển giáo dục Việt Nam. Có thể nói, hệ thống giáo dục ngoài công lập đã chia sẻ phần áp lực rất lớn với giáo dục công lập.

Thứ nhất là chia sẻ áp lực về trường lớp. Chúng ta thử hình dung không có hệ thống trường lớp ngoài công lập từ cấp mầm non đến đại học thì mỗi năm, chúng ta có một lượng lớn học sinh sinh viên không có nơi để học, khi hệ thống các trường công lập còn ít, không đủ đáp ứng nhu cầu người học, trong khi học tập lại là quyền lợi chính đáng của mỗi cá nhân. Với hệ thống trường lớp ngoài công lập, người học có nhiều sự lựa chọn hơn, tùy theo nhu cầu, khả năng đáp ứng của gia đình và sở thích của cá nhân người học.

Thứ hai là chia sẻ về cơ sở vật chất: các trường ngoài công lập vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học, vừa chia sẻ gánh nặng về kinh phí cho ngân sách quốc gia. Hệ thống trường lớp ngoài công lập đều được đầu tư kinh phí từ nguồn ngoài ngân sách, nguồn của các tổ chức, cá nhân. Chính bởi vậy, ngân sách nhà nước tiết kiệm một khoản đáng kể khi phát triển các trường ngoài công lập.

Có thể nói, giáo dục ngoài công lập đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của giáo dục; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Linh Hương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/binh-duong-huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-dau-tu-vao-giao-duc-vuot-muc-tieu-nq35-post228689.gd