Bình Dương: Giải pháp cho bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống

Để bảo tồn và phát huy các làng nghề và nghề truyền thống, tỉnh Bình Dương đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ các tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống...

Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống

góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. (Ảnh: K.V)

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có 32 làng nghề và 9 nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống ở Bình Dương nổi tiếng như: Gốm, sơn mài, chạm khắc, đan lát… không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Hiện các làng nghề truyền thống vẫn còn đang hoạt động và duy trì được hiệu quả ở Bình Dương là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Tân Phước Khánh, điêu khắc - chạm gỗ An Thạnh, Phú Thọ, làng lợn đất Lái Thiêu…

Tuy nhiên do tác động của thị trường, sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, việc quy hoạch đô thị, mở rộng các khu công nghiệp… nên các làng nghề truyền thống ở Bình Dương đang có chiều hướng bị thu hẹp sản xuất. Ví dụ như làng nghề truyền thống mây tre đan ở xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, vào thời hưng thịnh có hơn 50 hộ tham gia, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 15 hộ. Trên địa bàn thị xã Thuận An do phải thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị và triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương về việc di chuyển các ngành nghề ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nghề truyền thống gốm sứ, lợn đất cũng thu hẹp dần. Đối với ngành sơn mài, vào thời kỳ phát triển, toàn tỉnh có 900 hộ với khoảng 3.000 lao động tham gia, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 hộ gắn bó với nghề.

Để bảo tồn và phát huy các làng nghề và nghề truyền thống, tỉnh Bình Dương đã đưa ra các giải pháp cụ thể như xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Theo đó, đối với những nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp, trong điều kiện diện tích đất phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngày càng thu hẹp cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất sản xuất nguyên liệu. Các làng nghề nên ký kết hợp đồng với đối tác, trong đó ràng buộc những điều khoản cụ thể, rõ ràng để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và giá cả.

Đồng thời, hỗ trợ các làng nghề tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng một phần công nghệ vào một số công đoạn của quá trình sản xuất, đồng thời vẫn kế thừa kinh nghiệm trong quy trình chế tác ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng của sản phẩm. Từ đó có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống. Việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công truyền thống từ các làng nghề sản xuất ra đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, Bình Dương chủ trương phát triển làng nghề nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường. Đối với những làng nghề ít gây ô nhiễm môi trường như đan lát mây tre thì vẫn có thể sản xuất, kinh doanh ở hộ gia đình. Đối với một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường trong một số khâu nhất định cần di dời những khâu trong chuỗi công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đối với những làng nghề truyền thống gây ô nhiễm môi trường nặng nề thì cần hình thành các cụm công nghiệp tập trung để bố trí làng nghề.

Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. Đây là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề ở Bình Dương.

Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, ngành du lịch Bình Dương đã có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ, bảo tồn và khai thác các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó chú trọng xây dựng, chỉnh trang và phát triển làng nghề đáp ứng nhu cầu khép kín của du khách. Chính vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống ở Bình Dương như sơn mài, gốm sứ, gỗ điêu khắc để gắn với phát triển du lịch trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương trong thời gian tới./.

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/binh-duong-giai-phap-cho-bao-ton-gin-giu-lang-nghe-truyen-thong-491539.html