Bình Dương đẩy mạnh phát triển tiềm năng Logistics

Liên tục nhiều năm qua, Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đây là điều kiện và cơ hội để địa phương này phát triển nhiều ngành nghề, trong đó có ngành dịch vụ logistics, đây cũng là ngành thúc đẩy gia tăng giá trị hàng hóa, đưa Bình Dương có những bước phát triển kinh tế tiếp theo trong giai đoạn mới.

Bình Dương đang có năm chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước (Ảnh: K.V)

Là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có các lợi thế về vị trí địa lý như liền kề với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, cùng với đó là Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, đồng thời là cửa ngõ của các tỉnh khu vực Tây Nguyên…, đây là những địa phương có nền kinh tế phát triển bậc nhất cả nước, luôn đứng trong tốp đầu về thu hút vốn đầu tư với cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển đồng bộ, kết nối với nhiều vùng kinh tế trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Bình Dương cũng tập trung tới 28 khu công nghiệp có quy mô lớn, với khối lượng sản xuất lớn và đa dạng các chủng loại sản phẩm xuất khẩu tạo nguồn hàng dồi dào cho các hoạt động dịch vụ logistics. Có thể thấy, hạ tầng logistics Bình Dương phát triển khá đồng bộ, có khả năng phục vụ tốt cho các hoạt của ngành, đó là hệ thống cảng sông như cảng An Sơn, Thạnh Phước, Bình Dương, Bà Lụa. Hệ thống cảng cảng cạn (ICD) như ICD Sóng Thần và Cụm cảng – Trung tâm logistics Dĩ An. Trên địa bàn tỉnh này cũng đã có 21 kho ngoại quan, 4 kho gom hàng lẻ (kho CFS) và 29 đại lý hải quan đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp và các cảng sông, cảng ICD. Cùng với đó là hệ thống kho bãi hàng hóa phong phú, hiện Bình Dương có năm chục doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt năng lực trong quá trình kinh doanh và hội nhập, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu trong lòng nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Ví dụ như Trung tâm logistics Tân Cảng - Sóng Thần đã trở thành nơi chuyên cung cấp dịch vụ logistics trọn khâu, dịch vụ kho bãi cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và toàn cầu, được nhiều khách hàng tin cậy. Hay như Công ty U&I logistics, ngoài việc đầu tư công nghệ hiện đại để sắp xếp hàng hóa khoa học, an toàn, giúp khách hàng dễ theo dõi, giám sát và xây dựng kế hoạch bốc dỡ, kinh doanh hiệu quả, công ty còn xây dựng và phát triển phần mềm ứng dụng giúp các thành viên, doanh nghiệp phát huy hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí vận chuyển thông qua sàn giao dịch vận tải trực tuyến vietnamtrucking.vn (Vtruck). Thông qua sàn giao dịch này, công ty dễ dàng tìm kiếm thêm hàng hóa, khách hàng để bù vào chiều rỗng sau khi đã kết thúc hợp đồng vận chuyển đã ký trước đó. Tới đây, tại Bình Dương còn có thêm Trung tâm logistics Becamex, rất thuận lợi về đường bộ và đường thủy, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.

Ông Nguyễn Trường Thi, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư và hợp tác quốc tế Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tỉnh này đang triển khai thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, Bình Dương tập trung phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, nạo vét khai thác hệ thống đường sông, tiến tới xây dựng tuyến đường sắt đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Cùng với đó, Bình Dương tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào các cảng cạn, cảng sông nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Mới đây, Bình Dương đã cho ra mắt Hiệp hội Logistics, việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương là tiền đề để phát triển toàn diện hệ thống logistics, bao gồm hạ tầng phần cứng, hạ tầng phần mềm và hạ tầng nhân lực. Theo đó, mỗi doanh nghiệp với chức năng khác nhau sẽ phát huy cao nhất chức năng của mình nhưng vẫn bảo đảm tính liên thông, qua đây sẽ tăng hiệu suất hoạt động chung của các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội. Việc thành lập hiệp hội cũng góp phần phát triển dịch vụ logistics minh bạch, lành mạnh, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội tỉnh Bình Dương.

Việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương, bên cạnh gắn kết các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực với nhau, sẽ tạo ra sự kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, việc thành lập hiệp hội cũng bảo đảm tiến độ và kéo giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập.

Được biết, tỉnh Bình Dương đã và đang phát triển nhiều khu công nghiệp, bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 34.596 doanh nghiệp trong nước và 3.430 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nơi có nhiều khách hàng lớn và các khách hàng tiềm năng cho dịch vụ logistics. Tỉnh cũng đang tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ thông qua việc thu hút, mời gọi thêm các nhà đầu tư về lĩnh vực công nghệ cao đến kinh doanh.

Trong kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Bình Dương tầm nhìn đến năm 2025, quy hoạch trung tâm logistics được coi là một chiến lược quan trọng, là thành tố cốt lõi trong hệ thống logistics và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi hoạt động logistics của chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh này../..

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/binh-duong-day-manh-phat-trien-tiem-nang-logistics-500583.html