Bình Dương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xuất khẩu

Từ năm 2011, Bình Dương đã triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến. Trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đang trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Bình Dương.

Nông nghiệp công nghệ cao hướng phát triển bền vững

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư trên qui mô lớn, sản xuất nông nghiệp tập trung.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến thương mại tại Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông đặc sản Bình Dương

Các doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến thương mại tại Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông đặc sản Bình Dương

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt báo cáo đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đề án, từ nay đến năm 2020, nông nghiệp trên địa bàn phía Nam của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và khai thác tốt các nguồn lực sẵn có ở đô thị.

Thực tế cho thấy, thời gian qua ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa quả đã được các doanh nghiệp, cá nhân của Bình Dương áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP… trên các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối… nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Hồ Trúc Thanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương - cho biết, hiện tỉnh Bình Dương có hơn 2.754 ha diện tích đất ứng dụng công nghệ cao vào vào trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha; 95 trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp chứng nhận VietGAP (trong đó lĩnh vực trồng trọt là 62 cơ sở; lĩnh vực chăn nuôi 33 cơ sở); Đối với sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được chứng nhận trên quy mô 60 ha diện tích trồng chuối.

“Các mô hình nông nghiệp công ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế và tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân” - ông Hồ Trúc Thanh khẳng định.

Tuy quy mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn quả và nông sản theo quy trình công nghệ cao của tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển nhanh, nhưng thực tế vẫn còn gặp phải những vấn đề chung của cả nước, đó là: thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các sản phảm có thương hiệu chưa nhiều, chưa có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh còn hạn chế...

Trong thời gian tới, Bình Dương cần tập trung thiết lập, củng cố phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, trái cây với các kênh phân phối… Qua đó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định làm cơ sở để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hướng đến một nền nông nghiệp sạch gắn với xuất khẩu

Với mục tiêu phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, từ năm 2008 UBND Bình Dương đã kêu gọi doanh nghiệp thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển ra các vùng lân cận.

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái - Bình Dương

UBND tỉnh Bình Dương đã chọn Công ty U&I làm chủ đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái đầu tiên ở Bình Dương, với quy mô trên 400 ha, tại xã An Thái, huyện Phú Giáo. Hiện khu nông nghiệp này đã lấp đầy được 36% diện tích, trong đó diện tích trồng chuối với khoảng 100ha ngoài ra còn có dưa lưới, cam, bưởi, quýt, chanh và các loại rau củ quả...

Theo ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I, mỗi năm Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái đưa ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới mỗi năm, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện công ty đang chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến tại khu vực này để tăng giá trị cho nông sản..

Các sản phẩm của khu nông nghiệp này đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia UAE… Ngoài ra, công ty còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn như Saigon Co.op, Aeon, Lotte, Big C...

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Bình Dương - cho biết, việc tìm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây đặc sản, hướng đến xuất khẩu luôn là mục tiêu quan trọng của tỉnh để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển.

“Hiện Bình Dương đang xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hướng đến một nền nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” - ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, tạo bước đi bền vững cho ngành nông nghiệp Bình Dương.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-duong-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-gan-voi-xuat-khau-114796.html