Bình Dương: CQĐT hành xử bất thường, có dấu hiệu 'lọt tội' trong vụ tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên

Dù vụ việc được Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định là có dấu hiệu hình sự, nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vẫn hướng dẫn sang tòa theo thủ tục dân sự, đồng thời 'ngâm tôm' vụ việc 10 tháng chưa có kết quả.

Như bài trước chúng tôi đã nêu, sau khi có hai kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự xác định Biên bản họp đại hội đồng cổ đông và Quyết định của đại hội đồng cổ đông là giả mạo, ngày 26/6/2019 bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đã làm đơn tố giác hành vi của ông Nguyễn Duy Phước có dấu hiệu tội làm giả tài liệu của tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản.

Đơn tố giác của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đến tay Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương, Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, sau 10 tháng thụ lý đơn, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương đang có những hành xử bất thường, kéo dài vụ việc.

Cụ thể, sau khi nhận được đơn tố giác ngày 28/7/2019, Cơ quan CSĐT có phiếu hướng dẫn bà Thảo chuyển hồ sơ sang tòa vì cho rằng do vụ việc dân sự đang được TAND Bình Dương giải quyết nên Cơ quan CSĐT chuyển đơn tố giác của bà Thảo đến TAND Bình Dương giải quyết.

Hướng dẫn này còn nói thêm, “trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự, TAND tỉnh Bình Dương sẽ có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển tài liệu đến cơ quan CSĐT có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định pháp luật”.

Hướng dẫn của cơ quan điều tra Bình Dương hoàn toàn ngược lại với ý kiến của Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01). Trước đó, khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà Thảo, ngày 18/7/2019 C01 đã có văn bản gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương với nội dung “sau khi nghiên cứu đơn và tài liệu, C01 nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Vì vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh, nên C01 chuyển đơn đến lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an Bình Dương thụ lý giải quyết và báo cáo kết quả về cơ quan CSĐT Bộ Công an”.

Thấy hướng dẫn vô lý của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, bà Thảo tiếp tục gửi đơn lần thứ hai. Đến ngày 12/9/2019, tức là sau hơn hai tháng rưỡi kể từ lần gửi đơn tố giác đầu tiên, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương mới chính thức tiếp nhận, thụ lý vụ việc, dù theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, trong thời hạn 20 ngày cơ quan điều tra phải ra các quyết định giải quyết đơn, nếu vụ việc phức tạp thì không quá 2 tháng.

Theo ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng, người đại diện của bà Thảo cho biết, Cơ quan CSĐT thông báo sẽ tiến hành giám định lại Biên bản họp đại hội đồng cổ đông và Quyết định của đại hội đồng cổ đông, các tài liệu vốn đã được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận là giả mạo.

Ông Hưng cho biết thêm, Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an phía Nam. Về điều này, ông Hưng nhận định thêm một sự bất thường và không cần thiết vì tài liệu giả đã được giám định đến 2 lần theo yêu cầu từ tòa án.

 Ý kiến của C01 Bô Công an về vụ việc

Ý kiến của C01 Bô Công an về vụ việc

Chưa hết, không lâu sau khi thụ lý tin tố giác từ bà Thảo, cơ quan điều tra Bình Dương đã ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm vì lý do chờ kết quả giám định. Cho đến giữa tháng 3/2020, cơ quan điều tra mới ra quyết định phục hồi với lý do đã có kết luận giám định. Quyết định phục hồi do ông Trần Văn Chính, đại tá, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an Bình Dương ký.

Trở lại nội dung trưng cầu giám định của cơ quan điều tra, ông Hưng thông tin thêm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nhiều lần khẳng định trong đơn và lời khai trực tiếp với cơ quan điều tra là tháng 12/2011 hoàn toàn không hề có cuộc họp cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG). Nói cách khác là ông Nguyễn Duy Phước đã làm giả Biên bản và Quyết định này. Kết luận giả mạo đã được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận. Vậy không hiểu vì lý do gì, điều tra viên Đặng Thanh Hương lại tiếp tục trưng cầu giám định nữa.

Theo ông Hưng, trong đêm 13/5/2016, ông Nguyễn Duy Phước đã chỉ đạo và thuê mướn gần 100 người, trong đó có cả một số cá nhân có dấu hiệu “xã hội đen” bên ngoài mang hung khí vào trụ sở Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương. Tại đây lực lượng bảo vệ đã khống chế, đe dọa quản lý, nhân viên, ngăn cấm công nhân vào làm việc.

Chưa hết, sau khi chiếm đoạt nhà máy, nhóm người ngày đã ngang nhiên lấy hết toàn bộ hàng hóa thành phẩm, nguyên vật liệu rất, đồng thời cho di chuyển phần lớn các máy móc thiết bị quan trọng của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên chở đi nơi khác; hủy các giấy tờ chứng từ sổ sách kế toán gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho công ty và cá nhân bà Thảo. Hành vi có tính chất nghiêm trọng này cũng không hề được điều tra viên làm rõ.

Từ những tài liệu chúng tôi có được cho thấy, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương và điều tra viên Đặng Thanh Hương đã có những động thái chậm trễ trong quá trình điều tra xác minh vụ việc, khiến đã qua 10 tháng nhưng đến nay vẫn không hề kết luận, làm rõ.

Vì những bất thường này, ngày 15/4/2020, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã phải gửi đơn đề nghị thay đổi điều tra viên. Tuy nhiên, việc đề nghị này đến nay chưa thấy cơ quan điều tra trả lời.

Vì sao cơ quan điều tra không khởi tố vụ án làm giả tài liệu, không có động thái can thiệp vào đêm 13/5/2016, khi bị “xã hội đen” bên ngoài mang hung khí vào trụ sở khống chế, đe dọa, cướp nhà máy, gây thiệt hại vật chất cho Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên hàng nghìn tỷ đồng cần phải được những người lãnh đạo cao nhất từ tỉnh Bình Dương và cơ quan Công an tỉnh có câu trả lời thỏa đáng cho bà Thảo cũng như dư luận.

Nhóm PV

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/binh-duong-cqdt-hanh-xu-bat-thuong-co-dau-hieu-lot-toi-trong-vu-tranh-chap-tai-tap-doan-trung-nguyen-512245.html