Bình Dương cần khắc phục hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa có phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC); HĐND tỉnh chưa ra Nghị quyết về công tác PCCC trên địa bàn tỉnh… là những vấn đề cần khắc phục mà Đoàn giám sát Quốc hội lưu ý tỉnh Bình Dương trong buổi giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018' tại tỉnh, sáng nay, 4-5.

Đoàn giám sát Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC tại Bình Dương.

Đoàn giám sát Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC tại Bình Dương.

Đoàn giám sát Quốc hội do đồng chí Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, làm Trưởng đoàn. Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư tham gia đoàn.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 80 vụ cháy, hai vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 10 người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 313,5 tỷ đồng. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố hệ thông điện và thiết bị điện (chiếm 78,75%), bất cẩn trong lao động, sinh hoạt của người dân (chiếm 11,25%); sự cố kỹ thuật của các thiết bị, máy móc trong sản xuất và một số nguyên nhân khác như sét đánh, tự cháy…

Trong công các PCCC, lực lượng PCCC tỉnh đã cứu chữa hiệu quả 80 vụ xảy ra, tài sản cứu được ước tính khoảng 1.083 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra an toàn PCCC 56.584 lượt cơ sở, lập 56.584 biên bản, hướng dẫn và kiến nghị các cơ sở khắc phục 167.608 thiếu sót về an toàn PCCC…

Mặc dù có nhiều nổ lực trong công tác PCCC nhưng tình hình cháy, nổ xảy ra tại Bình Dương vẫn còn nhiều. Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại về công tác PCCC tại tỉnh cần khắc phục, như: tại tỉnh đã có có 27 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động nhưng có đến 12 KCN chưa có phương án PCCC theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, là địa phương xảy ra nhiều vụ cháy và có nhiều nguy cơ cháy nổ nhưng trong thời gian qua, HĐND tỉnh Bình Dương vẫn chưa có Nghị quyết về công tác PCCC. Ngoài ra, tuy có xảy ra một số vụ cháy nghiêm trọng nhưng việc truy cứu trách nhiệm thì chưa có vụ truy tố nào được đưa ra xét xử.

Để công tác PCCC của tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Cần xác định công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; coi việc chấp hành quy định về PCCC là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, điều hành, quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Trong công tác chỉ đạo PCCC, làm rõ trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu đơn vị trong phạm vi quản lý; tiếp tục kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo về PCCC cấp tỉnh, đẩy mạnh việc đăng ký quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác PCCC.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền; hướng dẫn biện pháp, lồng ghép kỹ năng PCCC trong các trường học; nhân rộng những mô hình hiệu quả, điển hình trong PCCC.

Làm tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC, vấn đề quy hoạch gắn với PCCC, thường xuyên rà soát kiểm tra các cơ sở, địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC theo quy định; tổ chức tốt công tác phối hợp và thường trực sẵn sàng về PCCC; nâng cao chất lượng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng chuyên trách; chú ý chất lượng chữa cháy tại chỗ; thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi cháy nổ xảy ra. Các KCN đi vào hoạt động cần phải có phương án PCCC theo quy định của pháp luật.

TRỊNH BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40072502-binh-duong-can-khac-phuc-han-che-trong-cong-tac-phong-chay-chua-chay.html