Bình Định xin cơ chế di dời khách sạn: Khó...

Việc này có nguy cơ tạo tâm lý bất bình đẳng, thậm chí còn hỗ trợ nhầm người gây thiệt hại cho ngân sách, gây bức xúc trong dư luận

Không nên tạo tiền lệ xấu

Trao đổi với báo Đất Việt mới đây, ông Phan Cao Thắng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương mới gửi Bộ TN-MT đề nghị được hướng dẫn các nội dung liên quan việc cấp giấy chứng nhận căn hộ khách sạn và cho thuê đất để di dời 3 khách sạn ven biển Quy Nhơn.

ác khách sạn Bình Dương, Hoàng Yến, Hải Âu nhìn từ bờ biển Quy Nhơn. Ảnh: tintuc.vn

ác khách sạn Bình Dương, Hoàng Yến, Hải Âu nhìn từ bờ biển Quy Nhơn. Ảnh: tintuc.vn

3 khách sạn nằm trong danh sách buộc phải di dời để lấy đất xây dựng công viên ven biển, phục vụ cộng đồng gồm: Bình Dương (2 sao), Hải Âu (4 sao), Hoàng Yến (4 sao).

Theo ông Thắng, trong số này có hai khách sạn đã hết thời hạn thuê đất nhưng còn giá trị sử dụng tốt, một khách sạn còn thời hạn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dời, UBND tỉnh Bình Định chủ trương quy hoạch quỹ đất tại vị trí mới phù hợp với quy hoạch đô thị TP Quy Nhơn và dự kiến cho các đơn vị này thuê đất (đất sạch) để di dời, xây dựng lại khách sạn theo hình thức cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho thuê đất (không thông qua hình thức đấu giá).

Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai hiện hành và văn bản hướng dẫn liên quan của Trung ương, chưa có quy định cụ thể về việc Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất tại vị trí mới để xây dựng khách sạn (theo hình thức chỉ định) để tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, theo luật, với những dự án hết thời hạn thuê đất khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Vì thế, việc này sẽ dẫn đến các chủ khách sạn (nhà đầu tư) gặp nhiều khó khăn trong việc di dời để trả lại mặt bằng cho tỉnh và xây dựng công trình khách sạn tại vị trí mới.

"Về chủ trương Bình Định đã xây dựng và đã có cơ chế, bây giờ chỉ vướng mắc ở thủ tục cho thuê đất mới nên Bình Định có văn bản xin Bộ TN-MT hướng dẫn cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ cho các chủ khách sạn di dời", ông Thắng nói.

Không đồng tình với kiến nghị trên, PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, luật đã quy định không nên tạo tiền lệ xấu.

"Ở đây là nhà đầu tư thuê đất sử dụng có thời hạn, khi hết hạn nhà đầu tư phải trả lại cho địa phương. Địa phương không có trách nhiệm bồi thường hay phải hỗ trợ gì cho nhà đầu tư trong trường hợp này.

Trong trường hợp dự án chưa hết hạn thuê đất nhưng theo quy hoạch, địa phương có chủ trương thu hồi đất nhằm phục vụ các mục đích phục vụ cho an ninh quốc phòng, mục đích công cộng cũng có quyền thu hồi bất kỳ lúc nào.

Tùy từng trường hợp sẽ căn cứ theo thời hạn hợp đồng cũng như tính toán mức độ ảnh hưởng để hỗ trợ, đền bù cho nhà đầu tư nếu phải thu hồi đất trước thời hạn", PGS Nguyễn Quang Học phân tích.

Vị PGS cũng khẳng định 3 dự án trên không thể coi là "đặc biệt" được, vì dự án này còn liên quan tới những dự án khác nữa.

Ông lưu ý, Việt Nam có bờ biển rất dài và có rất nhiều dự án khách sạn vây quanh bờ biển ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

"Nếu bây giờ hỗ trợ cho 3 khách sạn này sẽ có nguy cơ tạo tiền lệ cho các dự án khách sạn ở các địa phương khác cũng muốn xin cơ chế đặc thù, muốn xin hỗ trợ. Rồi luật cứ phải xé rào, đặt ra các cơ chế đặc thù cho mỗi địa phương là rất không nên. Việc này có nguy cơ tạo tâm lý bất bình đẳng, thậm chí còn hỗ trợ nhầm người gây thiệt hại cho ngân sách, gây bức xúc trong dư luận", vị chuyên gia cảnh báo.

Không hỗ trợ tràn lan

Nhìn nhận thận trọng hơn, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam khẳng định, nếu căn cứ theo luật địa phương có chủ trương thu hồi đất, doanh nghiệp hết thời hạn thuê phải trả lại cho địa phương, không có chính sách hỗ trợ. Với trường hợp chưa hết hợp đồng sẽ căn cứ trên thực tế làm cơ sở xác định mức bồi thường, hỗ trợ.

Tuy nhiên, xét trên góc độ thu hút đầu tư, ông Đính cho rằng nên xem xét thêm một số yếu tố để có quyết định phù hợp vừa đạt được mục đích thu hồi vừa tạo được lòng tin với nhà đầu tư.

Trước hết, theo ông Đính là phải căn vào điều điều kiện phát triển của địa phương tại thời điểm thu hút đầu tư như thế nào?

Với điểm này, vị chuyên gia thừa nhận Bình Định là địa phương nghèo, không có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư về tỉnh.

Vì thế, việc địa phương căn vào khoảng thời gian xây dựng khách sạn cũng như những đóng góp của khách sạn với địa phương để cân nhắc hỗ trợ cũng có thể chia sẻ được.

Dời khách sạn làm công viên: Nếu làm được như Bình Định...

Vấn đề ông Đính băn khoăn là 3 khách sạn này có thật sự là được xây dựng trong khoảng thời gian tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn, và trong quá trình hoạt động đã có đóng góp lớn cho du lịch của tỉnh hay không?

"Bình Định đang đi theo cách bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp nhằm tạo niềm tin thu hút các nhà đầu tư khác đến với Bình Định, đứng từ quyền lợi của địa phương những đề xuất trên không sai.

Bộ TN-MT là cơ quan quản lý trung ương nên phải cân nhắc, quyết định cho phù hợp để tránh làm nảy sinh các mâu thuẫn theo luật.

Trong trường hợp cần hỗ trợ thì phải có cơ chế hướng dẫn cũng như các tiêu chí xác định rất cụ thể, tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng, hỗ trợ tràn lan, nhầm đối tượng", ông Đính nói.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/khong-gian-song/binh-dinh-xin-co-che-di-doi-khach-san-kho-3400269/