Bình Định: Tiếp tục xây dựng nhãn hiệu tập thể

Để khẳng định giá trị sản phẩm địa phương, năm 2020, tỉnh Bình Định tiếp tục xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc trưng, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập.

Các huyện phía Bắc của tỉnh Bình Định như Hoài Ân, Hoài Nhơn… là những địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đã có thương hiệu được người tiêu dùng (NTD) ưa thích.

Điển hình tại huyện Hoài Ân có trên 250ha bưởi da xanh, trong đó có gần 70ha đang trong thời kỳ kinh doanh, nhãn hiệu bưởi Hoài Ân (Bình Định) là sản phẩm bưởi sạch, thời gian qua đã chinh phục được NTD với những hiệu ứng tích cực. Cụ thể, bưởi Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2019. Sắp tới, huyện sẽ từng bước hình thành chuỗi liên kết, mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Bưởi Hoài Ân mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương

Bưởi Hoài Ân mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương

Cùng với bưởi, trà Gò Loi cũng là 1 trong 2 nhãn hiệu đầu tiên được cấp giấy chứng nhận tại huyện Hoài Ân, tạo được hiệu ứng tốt trên thị trường, tạo tiền đề quan trọng để sản phẩm thâm nhập vào các siêu thị lớn trong và ngoài nước. Được biết, năm 2020, huyện Hoài Ân tiếp tục đăng ký 2 nhãn hiệu là heo Hoài Ân và dừa xiêm Hoài Ân để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.

Cũng là một trong những huyện có nhiều sản phẩm đặc thù của tỉnh Bình Định, những năm gần đây, với mục đích tăng giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện Hoài Nhơn tiếp tục đăng ký nhãn hiệu cho một loạt sản phẩm đặc trưng tại địa phương như: Nếp ngự, dừa, dầu phụng, bưởi...

Tiêu biểu, sản phẩm nếp ngự được trồng ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) có hạt tròn mẩy, bột nhiều, dẻo thơm, có thể dùng nấu xôi, làm bánh tét, bánh hồng, làm cốm… được NTD rất ưa chuộng. Năm 2020, huyện Hoài Nhơn đang xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng nếp ngự từ 5ha lên 11ha và triển khai chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Do đó, việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương là hết sức cần thiết, không chỉ khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm yêu cầu tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Trần Đình Chương - Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định, với đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng, nguồn gốc, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đóng vai trò "sống còn" trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường hiện nay. Theo đó, hàng năm, Sở đều phối hợp với Cục SHTT (Bộ KH&CN) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn về SHTT, hướng dẫn địa phương về quy trình, thủ tục làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm địa phương.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định – cho rằng: Các địa phương cần xác định sản phẩm chủ lực, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ độc quyền sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm tạo lợi thế

Ông TRẦN ĐÌNH CHƯƠNG - Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định: Năm 2020, Sở KH&CN Bình Định sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Chiến lược SHTT, giúp các cá nhân, đơn vị hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-dinh-tiep-tuc-xay-dung-nhan-hieu-tap-the-141603.html