Bình Định: Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động xả thải tại doanh nghiệp

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đóng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định thời gian qua đem lại hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít đơn vị bộc lộ hạn chế về xử lý nguồn nước thải, khí thải trong quá trình hoạt động.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 6 KCN (Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa và KCN Nhơn Hội A, B, C) và 42 CCN đã đi vào hoạt động. Đến nay, có 12 khu, CCN có hệ thống xử lý nước thải; 55 đơn vị được cấp giấy phép xả nước thải với tổng lưu lượng 58.076 m3/ngày đêm.

CCN Phước An (Tuy Phước) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do đó, việc quản lý, giám sát nguồn nước thải từ các DN hoạt động trong CCN cần được giám sát chặt chẽ.

Còn đó tồn tại

Đầu năm 2017 đến nay, qua công tác kiểm tra, Sở TN&MT Bình Định cùng đơn vị chức năng đã phát hiện, xử lý 5 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đường, mật; chế biến tinh bột sắn và dệt, nhuộm, may mặc xả thải sai quy định. Ngoài ra, một số công ty phát sinh khí thải, rác thải vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng tới khu dân cư cũng bị tạm đình chỉ hoạt động để khắc phục như Công ty CP Nguyệt Anh (đóng tại cụm công nghiệp - CCN Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn), Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh (Hoài Nhơn),… 5 DN xả nước thải trái quy định bị xử lý từ năm 2017 đến nay, gồm: Công ty CP Đường Bình Định (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn); Công ty CP chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ); Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam, Công ty CP May Phù Cát và Công ty TNHH In Na Nu (hoạt động tại CCN Cát Trinh, huyện Phù Cát).

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Bình Định), khâu quản lý hoạt động xả nước thải, khí thải tại DN đang bộc lộ không ít hạn chế, nhất là vai trò quản lý, giám sát đối với người đứng đầu và trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý các CCN về nguồn thải có nơi còn buông lỏng. Do vậy, số ít DN đã lợi dụng điều này để vi phạm. Mặt khác, một số CCN ban đầu tỉnh quy hoạch xa khu dân cư. Sau đó, một số địa phương lại quy hoạch khu dân cư nằm gần CCN. Vì thế, nguy cơ phát sinh ô nhiễm ảnh hưởng tới người dân khi các CCN này đi vào hoạt động là điều dễ xảy ra, như CCN Cát Khánh (Phù Cát), CCN Cầu Nước Xanh (Tây Sơn). Chi cục Bảo vệ Môi trường đã chỉ ra điểm bất cập này, song chưa được địa phương quan tâm.

Giám đốc Sở TN&MT Bình Định ông Đặng Trung Thành thì chỉ rõ 3 tồn tại chính trong hoạt động xả nước thải của của DN hoạt động tại các khu, CCN trong tỉnh đang mắc phải. Đó là một số DN, cơ sở dịch vụ, dự án đầu tư, CCN có lượng nước thải phát sinh ít, thuộc trường hợp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; một số đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, song hệ thống không đảm bảo yêu cầu, quá tải. Thậm chí, có đơn vị đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải cơ bản đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải, tuy nhiên quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải không thực hiện đúng theo quy trình xử lý, không thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống dẫn đến hệ thống không có tác dụng hoặc kém tác dụng trong quá trình xử lý.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Gò Cây Duối (An Lão) đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Siết chặt

Bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, cho biết ngoài việc tăng cường kiểm tra, thời gian tới, Chi cục tiếp tục xây dựng “mạng lưới” cộng đồng nhằm tiếp nhận, xử lý kịp thời các đơn vị lén lút xả nước, khí thải không đảm bảo ra môi trường. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh cho trang bị hệ thống kết nối dữ liệu quan trắc nước thải tự động tại các nguồn xả thải lớn để theo dõi, giám sát.

“Hệ thống này sẽ giúp Chi cục giám sát thường xuyên các chỉ số về mẫu nước thải ở các DN hoạt động sản xuất. Từ đó, đơn vị quản lý sẽ chủ động kiểm tra nguồn nước thải ở các DN khi xuất hiện những chỉ số có dấu hiệu vượt ngưỡng cho phép theo quy định. Song song giải pháp này, Chi cục sẽ tham mưu cho Giám đốc Sở TN&MT để báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương kiểm tra lấy mẫu đột xuất đối với các nguồn thải thời gian qua đã từng gây ra sự cố. Ngoài ra, Chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện về quy trình lấy mẫu phân tích nhằm nâng cao vai trò, năng lực trong công quản lý nguồn nước thải, khí thải”, bà Hương cho hay.

Trước đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch 35/KH-UBND ngày 11.9.2017 thực hiện Nghị Quyết số 03-NQ/TU ngày 7.4.2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, phân loại và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các CCN đến năm 2020, tất cả các CCN phát sinh nước thải (trên 100 m3/ngày đêm) phải có hệ thống xử lý nước thải; các CCN còn lại phải có giải pháp quản lý phù hợp.

Hoạt động quản lý, giám sát xả nước thải, khí thải tại doanh nghiệp đang được đơn vị chức năng quan tâm. Trong ảnh: Quang cảnh CCN Tà Súc (Vĩnh Thạnh).

Bên cạnh việc thực hiện Nghị quyết số 03, Sở TN&MT Bình Định sẽ tiếp tục phối hợp với Cảnh sát môi trường, UBND cấp huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào các khu, CCN, các cơ sở xả nước thải lớn hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đồng thời, mỗi năm Sở TN&MT thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước hoặc thanh tra, kiểm tra tổng hợp; trong đó, có hoạt động xả nước thải của các DN trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra Sở TN&MT yêu cầu các DN phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật tài nguyên, môi trường như: Xây dựng hệ thống thống thu gom, xử lý nước thải; khắc phục hệ thống thu gom, xử lý nước thải; yêu cầu đơn vị thường xuyên giám sát, quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu xả thải và hoàn thành các công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Bài, ảnh Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/binh-dinh-tang-cuong-quan-ly-giam-sat-hoat-dong-xa-thai-tai-doanh-nghiep-1261766.html