Bình Định: Kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm

Ngày 17-10, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, về các vấn đề khắc phục 'thẻ vàng' của tỉnh này trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đề nghị các ngành chức năng trong tỉnh kiên quyết đối với tàu cá vi phạm. Ảnh: Phương Oanh

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, dự kiến ngày 31-10 tới đây và tháng 1-2019 Thanh tra của Ủy ban nghề cá của Nghị viện châu Âu sẽ sang Việt Nam và trực tiếp đến Bình Định để kiểm tra việc khắc phục "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ, các sở, ngành, chính quyền các địa phương cũng đã tích cực vào cuộc nên việc triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp (gọi tắt IUU) bước đầu đã đạt một số kết quả.

Nhận thức của cộng đồng ngư dân và các cấp chính quyền ngày càng nâng cao, hoạt động nghề cá và việc tuân thủ luật pháp mỗi ngày dần nề nếp. Tỉnh đã thành lập 3 tổ thường trực tại các cảng cá để giám sát tàu cá xuất nhập bến, nguồn gốc sản phẩm khai thác. Các ngành chức năng đã cùng với BĐBP tổ chức kiểm tra trên 5.000 lượt tàu cá xuất nhập tại các bến cá; triển khai 35 chuyến tuần tra trên biển, vùng đầm, đã xử lý 69 trường hợp tàu cá vi phạm các quy định đánh bắt. Triển khai lắp đặt 546 thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, lắp đặt và nâng cấp 2 hệ thống thiết bị trạm bờ VX 1700 đảm bảo cập nhật thông tin tàu cá. Tăng cường quản lý, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các cảng cá đồng thời tổ chức cấp xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cho các chủ thu mua, doanh nghiệp chế biến, xuất khấu.

Tuy nhiên, tình hình tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trong hai năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 không có chiều hướng giảm. Năm 2017, toàn tỉnh đã có 21 tàu/ 177 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Và chỉ trong 9 tháng của năm 2018, tính từ đầu năm đến nay đã có 21 tàu/ 170 thuyền viên bị bắt.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tình trạng các tàu thuyền vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm bởi thực tế, các giải pháp hiện nay chỉ tập trung xoay quanh công tác tuyên truyền, vẫn còn trống hệ thống pháp lý cũng như chế tài xử lý để ràng buộc người dân thực hiện. Ông Trần Châu cũng đã đề nghị Trung ương cần sớm có các văn bản chỉ đạo, các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn cụ thể để thực hiện sau Luật.

Tàu cá ngư dân Bình Định cập bờ tại bến cảng Quy Nhơn. Ảnh: Phương Oanh

Một số vướng mắc khác liên quan các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), ông Châu đề nghị các ngành chức năng phải làm tốt chức năng quyền hạn, kiểm soát tàu ra vào đúng theo quy định, phối hợp BĐBP tỉnh để xử lý rốt ráo. “Tới đây, các tàu vào bến không báo trước 1 giờ, tàu không đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm dứt khoát không cho vào cảng, các tàu giã cào không có giấy phép phải bị xử lý, việc này trách nhiệm chính thuộc về BĐBP tỉnh.”- ông Châu nhấn mạnh.

Đối với 21 tàu cá Bình Định đang bị bắt do vi phạm lãnh hải nước ngoài, ông Châu cũng đề nghị Công an tỉnh tiếp tục điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự tùy theo điều kiện sau khi số này được nước bạn trả về.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lập ngay chương trình, kế hoạch làm việc với EC trên cơ sở tham khảo ý kiến của Tổng cục Thủy sản.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/binh-dinh-kien-quyet-xu-ly-tau-ca-vi-pham/