Bình Định: Dùng vật liệu nổ khai thác đá núi Chùa, khiến dân bức xúc

Việc 05 doanh nghiệp cùng khai thác đá tại núi Chùa ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải xuống mương tưới tiêu đồng ruộng và đe dọa khu di tích chùa Hang mà Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh trong bài 'Bình Định: Những hệ lụy khai thác đá tại khu vực núi Chùa' đăng ngày 17/5/2018. Thế nhưng, nhiều tháng đã trôi qua, tình trạng này vẫn không được khắc phục, thêm vào đó các doanh nghiệp hiện đang dùng vật liệu nổ công nghiệp hoặc mìn để khai thác đá.

Doanh nghiệp khai thác đá tại núi Chùa, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ

Tại khu vực núi Chùa hiện có 5 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác đá: Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite, Công ty CP VRG Đá Bình Định, Công ty MTV Khoáng sản Tuấn Đạt, Công ty TNHH Đá Granite Đông Á, Công ty TNHH MTV Bảo Thắng đều được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản với tổng diện tích hơn 26ha.

Diện tích khu vực khai thác đá tại núi Chùa ngày càng được mở rộng thêm

Trong quá trình khai thác đá, các doanh nghiệp này băm nát nhiều vạt núi, xâm phạm nghiêm trọng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống. Khu vực khai thác đá địa hình dốc, vách núi dựng đứng, các hố lắng của doanh nghiệp xây dựng không đảm bảo nên vào mùa mưa lũ nước chảy xuống làm bồi lấp nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp gần kề với mỏ đá gây thiệt hại lớn cho bà con thôn Hội Khánh. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên mà việc khai thác đá đe dọa cảnh quan di tích lịch sử - văn hóa chùa Hang, bởi tiếng ồn máy xúc, máy khoan, máy xay đá, động cơ xe cơ giới ra vào chở đá đi qua con đường khu dân cư hoạt động liên tục suốt ngày đêm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Tiếng ồn máy xúc, máy khoan, máy xay đá, động cơ xe cơ giới ra vào chở đá đi qua con đường khu dân cư hoạt động liên tục suốt ngày đêm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân

Nghiêm trọng hơn, các doanh nghiệp này có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc mìm để khai thác đá Granite, chủ yếu dùng để tách đá nên khối lượng thuốc nổ tối đa 2kg/hộ chiếu nổ mìm (một đợt nổ). Ngoài ra các doanh nghiệp còn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để tạo mặt bằng khai thác (lúc xây dựng cơ bản mỏ) nhưng các mỏ đá đã khai thác nhiều năm, việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để tạo mặt bằng khai thác là rất ít (khối lượng thuốc nổ tối đa 40kg/hộ chiếu nổ mìm). Thời gian nổ từ 17 giờ 00 đến 18 giờ 45 phút. Các mỏ đá nằm xa khu dân cư khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư là 480m.

Doanh nghiệp làm đá thành phẩm tại chỗ nơi khai thác

Việc sử dụng vật liệu nổ để khai thác đá gây tiếng ồn lớn, làm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư khiến người dân rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần lên đại biểu HĐND tỉnh Bình Định. Tiếp thu phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh, Sở Công thương Bình Định sẽ tổ chức kiểm tra trong thời gian sớm nhất để chấn chỉnh những doanh nghiệp không tuân thủ quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản số 7527 ngày 03/12/2018, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Phù Mỹ tiến hành kiểm tra các đơn vị có hoạt động khai thác đá trên địa bàn huyện Phù Mỹ gây ô nhiễm môi trường; kịp thời xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong tháng 12/2018.

Mỹ Bình

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/binh-dinh-dung-vat-lieu-no-khai-thac-da-nui-chua-khien-dan-buc-xuc-1262904.html